Kiến nghị giảm đến 40% giá nhà thu nhập thấp

Đời sống - Ngày đăng : 15:29, 06/12/2011

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa kiến nghị Thủ tướng có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư, người dân để giảm giá bán tại các dự án nhà thu nhập thấp.

Theo đánh giá của VAFI, hiện vẫn còn hàng triệu người thu nhập thấp đang sống và làm việc tại các đô thị vẫn đang gặp khó khăn về chỗ ở. Nguyên nhân là do thu nhập thực tế của một bộ phận người lao động, của công chức, viên chức vẫn còn thấp so với khả năng tài chính để mua một căn hộ nhỏ.

Thu nhập của nhiều người dân hiện nay vẫn chưa thể mua nổi một căn "nhà giá rẻ".

Trong khi đó, các giải pháp hiện hành về giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp nảy sinh không ít bất cập. Về nguyên tắc, những người mua căn hộ thu nhập thấp được ưu đãi không phải trả tiền đất song thực tế việc thực thi chính sách này chưa hoàn toàn công khai minh bạch. Tình trạng cơ chế xin - cho và nhiều thủ tục rắc rối phức tạp vẫn xảy ra đã đẩy giá nhà lên cao và chất lượng không đảm bảo, nguồn cung không nhiều.

Mặt khác, với mức lãi suất cho vay trong các năm gần đây luôn ở mức từ 15% - 25%/năm đã khiến cho không ít người dân không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng để có thể giải quyết nhu cầu nhà ở của mình.

Trong công văn của mình, VAFI cho rằng có thể giảm giá bán căn hộ nhỏ (từ 35 - 70m2) tới mức 30 - 40% cho người thu nhập thấp bằng cơ chế miễn toàn bộ các loại thuế và phí liên quan đến chi phí xây dựng, đi kèm với cơ chế cung cấp tín dụng ưu đãi.

Với chính sách này, người thu nhập thấp có thể trả với số tiền ban đầu chỉ ở mức từ 200 - 400 triệu đồng, chiếm khoảng 50% giá trị căn hộ có giá từ 350 - 700 triệu đồng, tạo cơ hội mua nhà của hàng triệu người thu nhập thấp.

Để thực hiện chính sách này, VAFI kiến nghị Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho một ngân hàng thương mại mà nhà nước nắm cổ phần chi phối thực hiện cơ chế cung cấp tín dụng ưu đãi cho mọi hoạt động xây dựng nhà thu nhập thấp. Đây là cách làm của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thái lan, Indonesia...

Theo VnEconomy