Sống chung trước hôn nhân: Lên án hay khuyến khích?

Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 06/12/2011

(HNM) - Theo một nghiên cứu do sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện mới đây thì có 30% sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố đang sống thử. Không chỉ những người còn đi học mà cả người đã đi làm… cũng

Đây là một hiện tượng xã hội không mới nhưng cái nhìn của PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu, chuyên gia nghiên cứu về gia đình và trẻ em về nó có những nét khác so với quan niệm lâu nay. Ông nhận định rằng: Hiện tượng này có ba đối tượng: sinh viên, tức là những người có học; công nhân, một tầng lớp tiến bộ của xã hội; và những người lao động tự do xa gia đình. Có ba nguyên nhân chính khiến họ chưa kết hôn đã sống với nhau như vợ chồng: họ có tình yêu và khát khao dẫn đến hôn nhân nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép; họ là những người xa nhà, xa gia đình, xa bố mẹ thiếu thốn tình cảm; dịch vụ xã hội chưa đầy đủ, một người tự lo sẽ rất khó khăn nên họ phải chung nhau tổ chức đời sống.

- Có người cho rằng sống thử làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, ông có cùng chung suy nghĩ ấy?

- Theo tôi, không nên dùng từ sống thử mà nên gọi là sống chung trước hôn nhân. Trong những người sống chung, có thể có một số người lợi dụng chuyện đó để làm những việc phi đạo đức nhưng về cơ bản thì đây không phải là tệ nạn xã hội. Chị thấy đấy, thanh niên các nước phương Tây từ nhiều thế kỷ trước và sau này ở cả các nước châu Á đều sống chung như thế. Nên quan niệm rằng, đây là vấn đề mới của xã hội hiện đại mà Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng phải tiếp thu những giá trị khác biệt bên cạnh việc kế thừa những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, với sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang hiện đại... thì cần phải có một cách sống mới, cách sinh hoạt khác. Việt Nam đang tiến những bước rất dài và rất nhanh, chuyển đổi của ta rất ngắn. Nếu các nước tư bản đi 200-300 năm thì chúng ta đi có vài chục năm nên có rất nhiều vấn đề gây sốc. Do đó, chúng ta không nên kỳ thị chuyện chung sống trước hôn nhân và chỉ nên nghĩ rằng, đó là một hiện tượng tất yếu trong xã hội hiện đại.

- Mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên cổ xúy cho lối sống này vì nó cũng gây ra những hệ lụy phải không, thưa ông?

- Đa số mọi người nhìn thấy mặt trái của nó nhưng tôi nhìn thấy mặt mạnh. Mặt thành công của sống chung là các cá nhân, đặc biệt là phụ nữ được giải phóng. Người phụ nữ Á Đông trong xã hội nam trị đã tự tin bước vào một cuộc sống bình đẳng và dám chung sống trước hôn nhân. Trên thực tế, sống chung trước hôn nhân có nhiều vấn đề như kinh tế, tâm lý, lối sống, tình dục trước hôn nhân. Nhưng người ta day dứt và kỳ thị về tình dục trước hôn nhân nhất. Sống chung để lại một số hậu quả như có thể có thai ngoài ý muốn, đẩy mình vào hoàn cảnh trớ trêu khi có con mà chưa kết hôn hoặc khi tan vỡ thì để lại những dấu ấn tâm lý cho cả nam và nữ. Nhưng tôi tin rằng những người đã từng sống chung trước khi kết hôn sẽ ít ly hôn hơn.

- Để giảm thiểu mặt tiêu cực của lối sống này, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

- Xã hội phải thay đổi quan điểm. Chỉ khi chúng ta chia sẻ được với giới trẻ thì lúc đó chúng ta mới định hướng được cho họ rằng hãy sống với nhau một cách có trách nhiệm và hướng tới hôn nhân. Mặt khác, xã hội phải tạo điều kiện cho họ, hỗ trợ họ về mặt kinh tế, việc làm, thu nhập để họ ổn định cuộc sống. Chúng ta nên khuyến cáo họ sống chung như vậy thì ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc sinh con đẻ cái sau này, đến tâm lý ra sao. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn họ sử dụng biện pháp tránh thai và thực hiện an toàn tình dục. Theo tôi, vấn đề của chúng ta là giáo dục họ thế nào chứ không phải là ngăn chặn.

 - Theo ông, trong tương lai lối sống này sẽ trở nên phổ biến hay sẽ thu hẹp lại khi mà các điều kiện sẽ đầy đủ hơn?

- Theo tôi, trong tương lai lối sống ấy sẽ trở nên bình thường. Bởi lẽ cũng như vào những năm 65-70 của thế kỷ trước, xã hội mình coi chuyện ly hôn là kỳ dị nhưng bây giờ họ coi đó là chuyện bình thường. Trên thực tế, trong chuyện sống chung của giới trẻ có lỗi của xã hội vì chưa tạo điều kiện để họ làm được việc họ muốn. Đi phỏng vấn, tôi thấy họ rất đau khổ vì họ yêu nhau, muốn cưới nhau lắm, muốn sinh con, tuổi cũng đã có nhưng do điều kiện nhà ở không có, việc làm không ổn định nên chưa lấy nhau được chứ không đơn thuần là chuyện sống thử đâu.

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Vũ