Cẩn thận với nữ trang Trung Quốc gắn mác "made in Italy"
Kinh tế - Ngày đăng : 11:29, 05/12/2011
Chị Linh, ngụ quận 3 - TPHCM, kể mới đây chị đem bán sợi dây chuyền bằng vàng trắng mua tại một cửa hàng nữ trang khá lớn. Dù bán lại đúng nơi đã mua nhưng nhân viên báo giá sợi dây chưa tới 11 triệu đồng. Thấy lỗ quá chị đành mang về. Chị cho biết sợi dây được làm bằng vàng 18K (75%), phía sau sợi dây có gắn mác “made in Italy”… “Tuy nhiên, nhân viên bán hàng giải thích vì là hàng nhập không bảo hành nên không thể mua giá cao” - chị Linh cho biết.
Nữ trang Trung Quốc gắn “made in Italy”
Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) vàng nhận xét: Thói quen mua nữ trang không có thương hiệu khiến nhiều khách hàng rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi đem bán lại sản phẩm. Vàng trắng, kim cương sẽ bị lỗ mất 30% giá trị là thường, còn nữ trang vàng 18K thì tùy vào cách xác định của mỗi tiệm.
Ảnh minh hoạ.
Hiện trên thị trường có nhiều dòng nữ trang bằng vàng trắng được quảng cáo là hàng Ý nhập khẩu, được bán với giá ngang ngửa các dòng nữ trang trong nước. Tuy nhiên, độ tinh xảo, sắc nét, mẫu mã của dòng nữ trang nhập khẩu này hơn hẳn nữ trang trong nước, giá lại không quá đắt nên đang được nhiều người ưa chuộng.
Các nghệ nhân trong ngành kim hoàn cho biết đây không phải là hàng Ý chính gốc mà chỉ có mác Ý được sản xuất từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhập vào thị trường Việt Nam.
“Nếu hàng Ý nhập khẩu thật sẽ rất đắt, chứ không sàn sàn như các dòng nữ trang trong nước” - một nghệ nhân kim hoàn nhận xét.
Các DN Trung Quốc mua máy móc thiết bị hiện đại từ nước ngoài rồi sản xuất nữ trang công nghiệp với số lượng lớn. Lấy mẫu mã hàng của Ý nhái lại rồi gắn mác. Mẫu mã lại thay đổi thường xuyên nên rất được ưa chuộng… Không chỉ hàng Trung Quốc gắn mác Ý, gần đây một số DN trong nước cũng nhập máy móc, nhái y chang các sản phẩm nữ trang ngoại rồi tung ra thị trường.
Theo lý thuyết, loại nữ trang từ vàng trắng này có hàm lượng vàng 75% (vàng 18K) nhưng thực chất hàm lượng vàng khi ra thị trường chỉ còn 60% đến 65%. “Họ lấy độ tinh xảo để bịt tuổi vàng. Có thể giá món trang sức đó chỉ tính theo vàng 14K nhưng họ bán theo vàng 18K, khách hàng khó lòng biết!” - nhân viên một DN sản xuất nữ trang tiết lộ.
Hạ tuổi vàng để cạnh tranh
Lãnh đạo một DN vàng bạc lưu ý: Nữ trang mang mác ngoại, nhất là nữ trang Trung Quốc, đánh vào thị hiếu thích đổi mới, mẫu mã đẹp chứ không chú trọng hàm lượng vàng. Hiện các tỉnh miền Tây đang là thị trường chính của dòng nữ trang này.
Trưởng phòng nữ trang một công ty kinh doanh vàng tại TPHCM thông tin: Để cạnh tranh với hàng nữ trang Trung Quốc, thời gian gần đây, một số cơ sở sản xuất nữ trang trong nước liên tục tung ra dòng nữ trang 10K, 14K… với giá mềm nhưng kỹ thuật và trình độ không thua kém vàng 18K, 24K.
“Có đơn vị còn đặt chúng tôi sản xuất vàng 5K để bán. Nhưng nếu chế tác vàng 5K (hàm lượng vàng chỉ khoảng 20%) còn gì là nữ trang vàng nữa” - vị trưởng phòng này cho hay.
Người đứng đầu một DN kinh doanh vàng tại TPHCM kể: Mới đây phải hủy một hợp đồng chế tác nữ trang khá lớn vì từ chối thông đồng gian lận tuổi vàng. Theo đó, một đối tác tại Hà Nội đề nghị công ty ông sản xuất nữ trang 18K (75%) nhưng chỉ sử dụng hàm lượng vàng hơn 60%. Chúng tôi yêu cầu làm hợp đồng rõ ràng nhưng đối tác không chịu vì sợ chuyện ăn gian tuổi vàng sẽ bị lộ qua hợp đồng.