Giảm nghèo và chính sách đối với lao động di cư

Đời sống - Ngày đăng : 08:34, 05/12/2011

(HNMO) - Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thì việc người lao động di cư sẽ là một tất yếu. Và hiện có hai loại lao động di cư: lao động di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác, vùng này sang vùng khác trong nước và lao động Việt Nam di cư ra nước ngoài mà ta thường gọi là xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, điều cần thiết là tạo chính sách đối xử với lao động di cư sao cho phù hợp với các công ước quốc tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ...

Thị trường lao động Việt Nam đang hình thành và phát triển, do đó xuất hiện các làn sóng lao động di cư là rất bình thường. Nhưng trong lĩnh vực này cũng rất cần những nghiên cứu sâu để vận dụng vào thực tế Việt Nam nhằm nâng cao việc bảo vệ các quyền, các cơ hội việc làm bền vững cho lao động di cư. Có nghĩa là lao động di cư phải được đối xử công bằng vì những đóng góp rất lớn của họ vào sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như các nước nhập khẩu lao động. Đây cũng là vấn đề mà một số nội dung của nó đã được đặt ra trong hội thảo “Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài” do ILO kết hợp với Tổng liên đoàn lao động VN vừa tổ chức hai ngày (17-18/11/2011) tại Hà Nội.

Dựa vào những khảo sát tình hình lao động di cư mấy năm gần đây đều cho thấy, lao động di cư trong nước thường tập trung về các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... các tỉnh giáp ranh với những thành phố lớn vì nơi đây tập trung nhiều khu công nghiệp, đặc khu kinh tế…Đặc biệt vào dịp giáp Tết âm lịch thì lao đông đổ về thành phố lại tăng lên. Những lao động di cư đến đây thường có nhiều cơ hội kiếm việc làm với thu nhập cao hơn các nơi khác. Lao động di cư trong nước thường có các đặc điểm dễ thấy đó là tỷ lệ tuổi đời lao động còn trẻ cao, đa số họ đều là những lao động phổ thông hoặc có trình độ kỹ thuật thấp. Bởi thế, họ đang đối diện với nhiều vấn đề như thiếu hiểu biết về pháp luật, về lao động… nên họ có nhiều nguy cơ bị bóc lột sức lao động, dễ bị tuyển dụng trái phép hoặc làm những việc không có sự bảo vệ của pháp luật, làm việc không có hợp đồng và bảo hiểm lao động. Hầu hết lao động di cư không được bảo đảm các quyền công dân cơ bản như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia các tổ chức chính trị, xã hội ở cả nơi đi và nơi đến. Mức sống của họ thường rất thấp và rất khó tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, nhà ở... Riêng đối với lao động nữ di cư còn phải chịu nhiều bất bình đẳng hơn Nam giới như mức thu nhập thấp hơn khi làm cùng công việc, thời gian lao động quá dài (10 – 12 giờ/ngày), bị “quản thúc” trong các công xưởng, nhà máy, nơi ăn, chốn ở không bảo đảm... là nạn nhân của bệnh tật, tệ nạn xã hội và các tổ chức buôn bán người.

Chính do những khó khăn đó của những lao động di cư thường là mầm mống, nguyên nhân tạo ra những sự bất ổn trong xã hội dẫn đến sự vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh xã hội như: trộm cắp, giết người, tình trạng đình công bột phát…

Đối với tình trạng người lao động di cư nước ngoài cũng bất an không kém. Bởi theo kết quả khảo sát thực địa tại Malaysia trong tổng số 534 lao động di cư bao gồm 97 lao động Việt Nam về chi phí cho một lần đi lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực sản suất và xây dựng thì chi phí chủ yếu chiếm từ 500USD đến 1000 USD chiếm 52%, còn chi phí từ 1500- 2000 USD chiếm 21,6%. Như vậy có thể thấy với mức chi phí như trên cho một lần đi lao động nước ngoài đối với dân nghèo vẫn tương đối cao.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm là tỷ lệ nộp đơn khiếu nại của lao động Việt Nam trong khảo sát trên chiếm tỷ lệ cao nhất so với các nước có lao động di cư, chiếm tới 38%. Nhiều khi người lao động Việt Nam bị đối xử bất công như bị từ chối trả lương thì không biết phải liên lạc với tổ chức nào, bằng cách nào để giúp họ đòi hỏi quuyền lợi xác đáng… Đó là chưa kể đến đa phần trong số họ không được quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe. Một cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao từng cho biết ở A-rập-Xê-ut, lao động nữ nước ta bị chủ quỵt lương thời gian làm thêm, bị ngược đãi, đánh đập và bị đuổi khỏi nhà. Do hạn chế ngôn ngữ họ không biết gọi cảnh sát can thiệp hoặc khi gọi cho Đại sứ quán kêu cứu nhưng lại không biết rõ địa chỉ mình đang ở đâu. Tại Italia, lao động nữ Việt Nam cũng bị chủ đối xử khắc nghiệt, lăng nhục khiến họ chán nản, bỏ trốn, trở thành lao động bất hợp pháp… Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết, hiện có khoảng 500.000 người lao động (NLĐ) nước ta đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số thị trường lớn như: Malaixia (khoảng 90.000 người), Đài Loan (trên 80.000 người), Hàn Quốc (khoảng 45.000 người). Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm chúng ta đưa được khoảng trên 60.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Riêng 5 năm trở lại đây, chúng ta đưa được gần 80.000 NLĐ đi mỗi năm. Các chuyên gia lao động thuộc tổ chức lao động quốc tế (ILO) qua khảo sát trên 300 mẫu được lựa chọn ở một số tỉnh, thành cũng cho biết tình trạng đa số lao động không nắm được nghề nghiệp nơi mình đến làm việc, không có ý thức vai trò của công đoàn và lợi ích của công đoàn đối với người lao động. Đây là những vấn đề mà chúng ta rất cần phải lưu ý.

Có thể nói hiện tượng lao động di cư được xem là một cách giảm nghèo hữu hiệu. Tuy nhiên, để tạo sự an toàn cho lao động di cư cũng là cách bảo đảm an toàn trật tự xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững thì ngoài việc thực hiện tốt chính sách của nhà nước, các địa phương cũng rất rất cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình. Đó là có biện pháp để nắm rõ lực lượng lao động di cư ngay từ cấp tổ dân phố, phường, cùng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tại địa phương có người di cư đến để tổ chức triển khai các đề án đào tạo nghề của Chính phủ, trong đó chú ý đến đào tạo nghề và hỗ trợ mở nghề ngay tại địa phương; Tuyên truyền cung cấp miễn phí các tài liệu về pháp lý , luật lao động, trợ cấp miễn phí pháp luật, tổ chức các đường dây điện thoại nóng, địa chỉ giúp đỡ cho lao động di cư. Đối với lao động di cư nước ngoài cũng vậy, cần tuyên truyền pháp luật lao động của Việt Nam, các công ước của ILO về lao động tới người lao động cho họ trước khi đi. Trước mắt cần đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật hiện hành, trước hết là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng phải có quy định quyền và trách nhiệm của Công đoàn. Song song đó là tăng cường các hoạt động đối ngoại của Công đoàn, đặc biệt đối với tổ chức lao động quốc tế (ILO) và công đoàn các nước có số lượng lớn lao động nước ta đang làm việc để bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư./.

Minh Bắc