Phải làm cho sách trở thành đại sứ văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 08:03, 04/12/2011
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm.
- Thưa ông, Giải thưởng sách Việt Nam năm nay của Hội Xuất bản có những nét gì mới đáng chú ý?
- Đây là năm thứ 7 Hội Xuất bản Việt Nam trao Giải thưởng sách Việt Nam, nhưng là năm đầu tiên trao giải sách văn học, sách dịch. Tuy nhiên, Hội đồng chung khảo không tìm được tác phẩm dịch nào xuất sắc để trao giải. Sách dịch gửi dự thi ít (khoảng 10 cuốn), lại không tiêu biểu. Quan trọng hơn là khó tìm được những người đủ sức thẩm định tác phẩm (không chỉ về ngôn ngữ mà còn về cả độ am hiểu các lĩnh vực đề cập trong sách). Bên cạnh đó, do thời gian ngắn nên không tìm được bản gốc để đối chiếu, so sánh. Dịch qua một thứ tiếng trung gian, tác phẩm có thể có những sai lệch. Chưa kể, kinh phí không tăng, nên không có điều kiện để Hội đồng chung khảo tổ chức khảo sát, tìm đọc, đối chiếu từ ngôn ngữ gốc.
- Đã qua 7 lần trao giải, nhưng theo ông vì sao Giải thưởng sách Việt Nam cũng như một số giải thưởng về sách khác chưa thực sự có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống?
- Giải thưởng sách Việt Nam là một hoạt động nghề nghiệp, do những người làm nghề suy tôn. Có sự chênh nhau giữa đánh giá của công chúng và các hội nghề nghiệp âu cũng là bình thường. Đánh giá của giới nghề nghiệp thường mang tính chuyên môn, học thuật. Thị hiếu hiện nay rất đa dạng. Bên cạnh đó sự lựa chọn tác phẩm gửi dự giải từ cấp cơ sở (các NXB) cũng lại ở những góc nhìn rất khác nhau. Tác phẩm có giá trị nhưng không hẳn lúc nào cũng được đa số bạn đọc biết tới. Công trình "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" bằng tiếng Anh (Giải vàng sách hay năm 2009) không phải là cuốn besseller trong nước, song với người nước ngoài, đây là một tác phẩm viết về văn hóa Việt Nam được đánh giá rất cao. Trường hợp khác như cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", thì độ ảnh hưởng trong đời sống mạnh mẽ hơn khi tác phẩm đoạt giải có sự đồng điệu giữa Hội đồng giám khảo với công chúng.
- Ông có nhận thấy khâu quảng bá cho tác phẩm trước và sau giải thưởng của chúng ta còn kém?
- Đúng vậy, tôi cho rằng các NXB cần có nhiều hình thức quảng bá tốt hơn. Ý thức đầu tư hình thành ngay từ khi tổ chức bản thảo, khi xuất bản ghi rõ là sách dự Giải thưởng sách Việt Nam hoặc các giải thưởng khác, đừng đợi đến lúc cuốn sách ấy được giải mới giới thiệu, quảng bá. Thậm chí, nếu bạn đọc yêu thích đặt trước thì có thể in thêm những chi tiết dành riêng cho độc giả. Kinh nghiệm phát hành của một số đơn vị cũng đáng tham khảo như tìm ra những cách thức khác nhau (ấn bản đặc biệt, đánh số…) để tuyên truyền, giới thiệu trước.
Tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2007, NXB Random House (Mỹ) giới thiệu cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm nhưng dưới cái tên mới "Đêm qua, tôi mơ về hòa bình". Tôi cảm ơn những người bạn Mỹ đã chọn được một câu nói "làm mới" lại cuốn sách, thể hiện tinh thần, khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Cách đặt tên này cũng là một sự sáng tạo rất đáng học tập.
- Ông nhận xét gì về chất lượng sách Việt Nam hiện nay?
- Chưa bao giờ Việt Nam xuất bản số lượng sách lớn như vậy, với khoảng 26 ngàn tên sách/năm, đề tài phong phú. Kỹ, mỹ thuật trình bày có bước tiến rất rõ rệt khiến ta có thể gửi các sách ra hội chợ sách quốc tế mà không xấu hổ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể phát hành nhiều cuốn sách nổi tiếng cùng thời điểm với thế giới. Đó là một bước tiến rất lớn của ngành xuất bản. Tuy nhiên, những tên sách mới còn ít, số lượng sách trên đầu người thấp và chất lượng thì còn nhiều điều đáng bàn nữa. Nhất là đi vào tiểu tiết thì còn khoảng cách với quốc tế. Sách của ta có độ trắng trên 80-90 ISO không phù hợp với thị lực. Cường độ mực không đủ, thể hiện ở nhiều trang sách in không đủ độ đen khiến mắt căng mỏi. Và đặc biệt còn nhiều lỗi chính tả.
- Những hạn chế của sách Việt Nam có phải là lý do khiến chúng ta vẫn "nhập siêu" sách và chưa có một chiến lược đưa sách ra thế giới?
- Chúng ta chưa chủ động lựa chọn một danh sách tiêu biểu nhất về sách trên các lĩnh vực để giới thiệu với bạn đọc quốc tế. Yêu cầu xây dựng chương trình sách quốc gia trọng yếu đã nêu rõ trong Chỉ thị 42/CT-TƯ ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, nhưng tiến trình này diễn ra chậm chạp. Cục Xuất bản là đơn vị đề xuất tham mưu, đưa ra chương trình hành động nhưng cần một cơ quan cấp cao hơn làm vai trò điều phối quốc gia, tập hợp lực lượng và cân đối tài chính…
Đi qua một số hội chợ sách châu Âu, ví như Tây Ban Nha, trong các khách sạn hạng sang họ đều có tủ sách để giới thiệu cho khách: nếu bạn ở một tháng bạn nên đọc cuốn sách này, nếu ở một tuần nên đọc cuốn kia và thậm chí ở một đêm bạn cũng nên đọc một cuốn khác… Liệu chúng ta có nên nghĩ tới bày sách ở những nơi giao lưu, gặp gỡ với khách nước ngoài, các nguyên thủ quốc gia? Phải có sự suy tư day dứt đồng bộ thì mới làm được nhiệm vụ biến sách thành đại sứ văn hóa cho Việt Nam, có khả năng gửi những thông điệp mà nhiều khi tiếng nói không diễn đạt được.
- Xin cảm ơn ông!