Chuyện vệ sinh ở Hà Nội (tiếp)

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:57, 04/12/2011

(HNM) - Ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô, bộ đội và cán bộ ở chiến khu về Hà Nội quá nhiều và để có chỗ ở, Nhà nước đã cấp tốc cho xây các khu tập thể thấp tầng lợp ngói ở ngoài bờ sông Hồng. Tiếp đó là các khu tập thể cho dân lao động ở ngõ Mai Hương (quận Hai Bà Trưng), Phúc Xá, An Dương (quận Ba Đình)...


Rồi các bộ, ngành cũng xây nhà cấp 4 phân cho cán bộ nhân viên không có nhà ở Hà Nội. Diện tích một căn hộ chỉ trên dưới 20 mét vuông, bếp ở phía ngoài. Và cứ năm hay sáu dãy lại xây một nhà vệ sinh chung đầu dãy. Ban đầu dân khu tập thể còn ý thức nhưng sau do dân đông lên, nhiều hộ đưa người thân ở quê ra, lại không được hướng dẫn nên dẫn đến tình trạng mất vệ sinh, nhếch nhác. Ở các nhà vệ sinh công cộng, người ta vẽ đủ thứ lên tường. Thậm chí còn làm cả thơ, vè nhắc nhau. Nhiều cửa nhà vệ sinh chung ở các khu tập thể, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... bị long bản lề hay tung cánh cửa nhưng xí nghiệp vệ sinh cũng mặc, vì nhiệm vụ của họ không phải làm việc đó, còn ban quản lý cho rằng dân ý thức kém nên mặc kệ và kết quả là đám phụ nữ đi vệ sinh phải mang theo tờ báo hay quạt giấy để che mặt. Còn ở các nhà vệ sinh công cộng, tuy có bể nhưng không bao giờ có nước, chỗ có nước thì gầu cao su thủng đáy và thế là từ xa, không cần hỏi thăm, người cần đi cũng xác định được điểm họ đang tìm.


 “Phu thùng” - ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân khi ông là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1960, Xí nghiệp Vệ sinh Hà Nội ra đời, tuy nhiên dân số nội thành quá đông trong khi xí nghiệp lại không đủ phương tiện và nhân công dẫn đến nhiều khu phố mong xí nghiệp cử công nhân đến như ruộng hạn mong mưa. Trước thực trạng này, sinh viên nhiều trường đại học, tự nguyện tham gia đổ thùng trong "Ngày thứ bảy lao động cộng sản chủ nghĩa". Việc của họ là khiêng thùng từ nhà dân ra xe.

Theo thống kê của Ban quản lý phố cổ, đến năm 2002, vẫn còn gần 50% số hộ gia đình không có nhà vệ sinh riêng. Trước đó thì chuyện đi vệ sinh vào buổi sáng ở khu vực này thật bi hài. Sở dĩ hàng chục hộ phải đi chung vì trước năm 1954, một số nhà là của một chủ nhưng rồi vì nhiều lý do họ cho ở nhờ, cho thuê, từ một hộ thành ra nhiều hộ và con cái họ lấy vợ sinh con nên mới dẫn đến chuyện xếp hàng đi vệ sinh vào buổi sáng. Cũng vì phải chờ đợi nhau nên bờ đê từ Trần Nhật Duật đến phố Trần Khánh Dư biến thành nhà vệ sinh ngoài trời trong nhiều năm thời kỳ bao cấp.

Năm 1988, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện có viết trên báo Văn nghệ một bài về hồ Hoàn Kiếm, đại ý bài báo nói nếu quanh hồ mà xây các công trình quá cao sẽ biến Hồ Gươm thành ao tù. Bài báo cũng kiến nghị nên phá bỏ nhà vệ sinh ven hồ vì nó nằm trước mặt tòa thị chính của Thủ đô, mặt khác nó làm mất mỹ quan không gian hồ. Sau này cũng có rất nhiều ý kiến đề nghị phá bỏ song dường như những góp ý ấy không có tác dụng, nhà vệ sinh vẫn hiên ngang thách thức. Năm 2006 người ta chi khá nhiều tiền cải tạo nhà vệ sinh này nhưng sử dụng được một tháng lại ra quyết định phá bỏ. Tháng 7-2002, ngành giao thông công chính có dự án xây nhà vệ sinh ngầm hoành tráng như ga xe điện ngầm ở góc Hàng Khay - Lê Thái Tổ nhưng người dân không đồng tình. Năm 1989, người ta bắt đầu thu tiền ở các nhà vệ sinh công cộng.

Bây giờ thì vệ sinh ở các hộ dân sống tại Hà Nội được cải thiện đáng kể. Họ ý thức được khu vệ sinh là quan trọng nên nó được đầu tư rất tử tế, đàng hoàng. Hố xí thùng bị xóa bỏ nên không còn cảnh các bà, các cô hay cánh xe thồ đi lấy phân, trả lại văn minh cho thành phố. Tuy nhiên vệ sinh công cộng, đặc biệt là nhà vệ sinh ở không ít các trường học phổ thông khu vực ngoại thành vẫn rất tệ. Người ta chỉ tính đến số phòng học mà không quan tâm đến khu phụ cho hàng nghìn học sinh. Còn các công ty lữ hành không biết giải thích thế nào khi khách du lịch nước ngoài phàn nàn, kêu ca về các nhà vệ sinh công cộng không đạt chuẩn trong khi người ta vẫn thu tiền...

Nguyễn Ngọc Tiến