Bước đột phá

Thế giới - Ngày đăng : 07:40, 04/12/2011

(HNM) - Mối quan hệ Mỹ - Myanmar vừa ghi một dấu mốc lịch sử khi một Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có chuyến thăm chính thức Myanmar 3 ngày (từ ngày 30-11 đến 2-12).


Đây là chuyến thăm Myanmar đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ sau 57 năm, báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Washington với quốc gia Đông Nam Á giàu tài nguyên này. Chuyến thăm của Ngoại trưởng H.Clinton diễn ra trong bối cảnh có những dấu hiệu đổi thay ở Myanmar, đất nước vốn được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội cho tới trước khi một chính quyền dân sự được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử năm ngoái. Với Myanmar, chuyến thăm của Ngoại trưởng H.Clinton như một sự công nhận quốc tế cho những cải cách chính trị do Tổng thống Thein Sein thúc đẩy; đồng thời phát đi tín hiệu: thời kỳ Myanmar bị bao vây, cô lập trên trường quốc tế đã chấm dứt.


Ngoại trưởng H.Clinton phát biểu trong cuộc họp báo sau khi gặp và trao đổi với một loạt các lãnh đạo cấp cao của Myanmar ngày 1-12.

Trong ba ngày ngắn ngủi, Ngoại trưởng Mỹ đã có hàng loạt các cuộc gặp quan trọng với những nhân vật hàng đầu tại Myanmar gồm Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein, Ngoại trưởng U Wunna Maung Lwin, thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi… Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Thein Sein ca ngợi chuyến thăm của bà H.Clinton với tư cách quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Myanmar trong vòng nửa thế kỷ qua đã mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Trong khi đó, nữ Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: "Tôi có mặt ở đây hôm nay là bởi Tổng thống Barack Obama và chính bản thân tôi đều đã nhìn thấy những tín hiệu thiện chí đáng mừng trong các động thái mà ngài và chính phủ của mình đang làm cho nhân dân của mình". Bà H.Clinton đã trao đổi về những động thái của Mỹ nhằm khuyến khích quá trình cải cách, trong đó có việc nâng cấp đại diện của Mỹ tại Myanmar lên cấp đại sứ đầy đủ hoặc hỗ trợ thêm viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn chưa có tuyên bố nào liên quan đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Myanmar trong chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ lần này.

H.Clinton là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Myanmar trong hơn 50 năm qua, kể từ chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng John Foster Dulles năm 1955. Chuyến thăm diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Barack Obama có cuộc công du châu Á và tiến hành một loạt các động thái nhằm củng cố vị trí của Mỹ trong khu vực. Theo các nhà phân tích, sự đầu tư của Mỹ vào chiến lược châu Á thể hiện nỗ lực tái khẳng định ảnh hưởng của Mỹ tại một vùng đất chia sẻ không ít lợi ích của quốc gia bên kia Thái Bình Dương. Ngoài ra Myanmar với 54 triệu dân, giàu các loại tài nguyên như khí đốt, khoáng sản, gỗ... là một thị trường có tiềm năng với các công ty Mỹ.

Thực tế, ngay từ năm 2009, Ngoại trưởng Mỹ đã cho xem xét lại chiến lược trừng phạt và cô lập Myanmar vì Washington nhận thấy các biện pháp này được áp dụng từ cuối những năm 1990, không có hiệu quả. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng, chính quyền Myanmar xác định Myanmar đã tụt hậu quá nhanh so với các nước khu vực vì bao vây cấm vận của Mỹ và châu Âu, và thiếu đầu tư từ phương Tây. Do đó, chính quyền Myanmar quyết định đã đến lúc thay đổi. Nhật báo San Francisco Chronicle (Mỹ) nhận định từ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái (lần tổng tuyển cử đầu tiên trong 20 năm), Myanmar đã đạt được nhiều tiến bộ trong chính sách mở cửa. Thậm chí Myanmar đã tiến xa hơn khi sửa đổi nền kinh tế vốn trì trệ và từng bước giải quyết mâu thuẫn sắc tộc kéo dài nhiều thập niên. Với những nỗ lực ấy, tờ báo trên nhận định rằng Myanmar đã nhận được nhiều "phần thưởng" chính trị, trong đó có chuyến thăm của Ngoại trưởng H.Clinton.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Mỹ vẫn nghi ngờ quyết tâm cải tổ của chính quyền Myanmar. Bởi lẽ, chính phủ mới của Myanmar vẫn do quân đội nắm giữ. Trong hai năm qua, Myanmar đã đẩy mạnh tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn chưa tạo ra sân chơi như trông đợi. Đa số người mua cổ phần đều thuộc các tập đoàn của quân đội. Hơn thế, tỷ lệ nghèo đói ở Myanmar còn khá cao. Vùng Tam giác Myanmar - Trung Quốc - Thái Lan vẫn là trọng điểm heroin và thuốc lắc bán ra châu Á. Tại đây, các nhóm thiểu số có vũ trang thường xuyên đụng độ với quân đội chính phủ. Như vậy, để có thể vượt lên sau nhiều thập kỷ bị cô lập, Myanmar sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Kim Phượng