Thảm đỏ có gì mới?
Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 04/12/2011
Nữ diễn viên Nhật Kim Anh với vai Cầm trong bộ phim “Long Thành Cầm giả ca”, một tác phẩm điện ảnh tham dự Liên hoan phim Việt Nam.
Cảm ơn những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh
Bông sen vàng đầu tiên được tôn vinh là "Nguyễn Văn Trỗi" (Xưởng phim truyện Hà Nội sản xuất năm 1966) đạo diễn Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo, dựa theo tác phẩm "Sống như anh" của Trần Đình Vân. Một sự trùng lặp thú vị, tại LHP 17 lần này, bộ phim truyện nhựa "Mùi cỏ cháy" cũng được dựng dựa trên một số tác phẩm văn học, trong đó có cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Cảnh phim “Cánh đồng bất tận” của hãng phim BDH.
Qua 16 kỳ LHP, thực sự đáng mừng vì chúng ta được gặp lại trên thảm đỏ hôm nay những nghệ sĩ tên tuổi từ những kỳ liên hoan đầu tiên của điện ảnh Việt Nam như Bùi Đình Hạc, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Thế Anh, Trà Giang, Như Quỳnh… Họ hiện diện không chỉ bằng hình ảnh vinh quang trong quá khứ mà bằng lao động nghệ thuật cho ngày hôm nay. Đạo diễn Đặng Nhật Minh có "Đừng đốt" ở tuổi thất thập, các nghệ sĩ Thế Anh, Như Quỳnh, Dũng Nhi xuất hiện trong nhiều bộ phim mới… Thậm chí, nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã ra đi, nhưng những người con của họ đã tiếp bước cha trong đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh Việt thời kỳ mới. Đó là nhà quay phim Lý Thái Dũng (con trai cố đạo diễn Lý Thái Bảo), là nhà thiết kế mỹ thuật Phạm Quốc Trung (con trai cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam)… Hai nghệ sĩ này đều từng nhiều lần giành giải cá nhân tại các kỳ LHP Việt Nam.
Bốn thập kỷ vừa qua, nếu nói về sự phát triển chung, điện ảnh Việt Nam vẫn bị "phàn nàn" không ít. Một nền điện ảnh không trường quay, lượng phim mỗi năm thưa thớt, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp… Nhưng, càng nhìn thẳng càng nói thật càng phải cảm ơn những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam chân chính. Họ đã bằng chính niềm đam mê của mình, trong mọi hoàn cảnh để tạo vóc dáng, gương mặt cho điện ảnh nước nhà. Một gương mặt thật sự có dấu ấn đối với khán giả trong nước và với bạn bè quốc tế.
Ê kíp thực hiện bộ phim “Mùi cỏ cháy”.
Những chuyển động có thật
Những kỳ LHP gần đây đánh dấu một sự bùng nổ thực sự của các nhà làm phim tư nhân, của hãng phim hội nghề nghiệp, ngành, cơ quan… Một góc độ nào đó, họ đã khuấy động đời sống điện ảnh có lúc tưởng chìm khuất. Với những tác phẩm nhạy bén với thị trường, được đầu tư công phu, quảng bá tốt, họ còn góp phần tạo dựng gương mặt điện ảnh Việt Nam trên thế giới trong thời kỳ mới. "Mùa ổi", Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 13 (2001) do Hãng phim Thanh Niên sản xuất. "Hà Nội - Hà Nội" Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 15 (2007) do Hãng phim Hội Nhà văn thực hiện. "Đừng đốt" Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 16 (2009) là của Hãng phim Hội Điện ảnh. Nếu như kỳ LHP 16 lần trước, trong số 15 phim dự thi, có tới 6 phim của các hãng phim tư nhân thì LHP năm nay con số này đã lên 10 phim. Trong số đó có một số phim từng giành giải hoặc gây ấn tượng tại các LHP quốc tế. Một sự vận động không thể phủ nhận của điện ảnh nước nhà. Tất nhiên, muốn khuyến khích, làm đậm những yếu tố tích cực trong sự vận động ấy, phải cần đến những hoạch định vĩ mô. Sự bao hàm (nếu có) những xu hướng giải trí, thương mại hóa trong bước chuyển động này cũng không phải là điều bất ngờ. Sự so sánh giữa phim của hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân cũng có thể không cần thiết, nhưng vì sự tồn tại "lưỡng thể" này (chữ dùng của nhà lý luận, phê bình điện ảnh Phan Đình Mậu) nên cũng khó tránh khỏi chuyện nhìn nhau như thế.
Nhìn lại các kỳ LHP cũng có thể thấy sự xuất hiện một dòng chuyển động của nghệ sĩ Việt kiều về nước. Họ cũng đã góp phần làm sống động mới mẻ các kỳ LHP. Có thể kể đến Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn, Victor Vũ… và nhiều nghệ sĩ khác nữa.
Để thảm đỏ sôi động hơn
Thảm đỏ LHP giống như một ngày hội "khoe" thành quả của giới nghề nghiệp. Có cái gì để khoe và khoe như thế nào cũng phản ánh sự phát triển của nền điện ảnh đó. Nhà lý luận phê bình điện ảnh Phan Đình Mậu có lý khi cho rằng, "cần câu và xâu cá là câu chuyện đã biết, đã nghe. Cần tạo động lực, nền tảng cho một nền sản xuất lớn nếu thực sự muốn điện ảnh phát triển". Sự trở về của những nghệ sĩ Việt kiều đã nhắc nhở về một khoảng trống đào tạo nhân lực bài bản ở nước ngoài mà điện ảnh Việt Nam chưa thực hiện được. Trong khi đó, nỗi lo cơm áo và dòng xoáy của phim giải trí, thương mại lại cuốn trôi nhiều người làm nghề. Nhà quay phim Lý Thái Dũng từng chia sẻ về việc anh cùng các đồng nghiệp đã tham gia khóa đào tạo tại Mỹ như thế nào để có thể sử dụng máy quay Red 1 hiện đại nhất, rồi NSND Thế Anh cũng hơn một lần khẳng định: "Diễn viên không phải là một nghề cứ hùng hục chân tay là xong. Đó là một nghề của trí tuệ, cảm xúc thẩm mỹ". Các kỳ LHP gần đây, chưa thấy rõ rệt một thế hệ mới những nghệ sĩ điện ảnh được đào tạo, hoặc đang được đào tạo bài bản ở những nơi có nền điện ảnh phát triển.
Một cảnh trong bộ phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” do đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.
Không có trường quay, rất nhiều bộ phim cũng đã phải "mất ăn mất ngủ" vì khâu tìm bối cảnh. Rồi thì cơ chế "lưỡng thể" như đã nói ở trên giải quyết thế nào? Nhà phê bình Ngô Phương Lan từng đặt vấn đề: Nhiều nghệ sĩ điện ảnh phải kiếm sống bằng cách làm phim ở nơi khác, trong khi các hãng phim nhà nước thì ngày một trì trệ…
LHP Việt Nam lần thứ 17 với 17 phim truyện nhựa, hội tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ các thế hệ, có cả những diễn viên lần đầu lên màn ảnh nhưng đã tạo dấu ấn như các chàng trai vào vai Hoàng - Thành - Thăng - Long trong "Mùi cỏ cháy". Tài năng, nhân lực điện ảnh Việt Nam là có thật. Sự chuyển động của điện ảnh cũng là có thật. Nhưng có vẻ như thiếu một bánh xe chủ lực để kết nối tất cả vào một guồng máy lớn.
Điều này, chỉ riêng nỗ lực của các nghệ sĩ điện ảnh là không thể đủ!