Đâu là giải pháp ?
Giáo dục - Ngày đăng : 06:51, 04/12/2011
Báo động tình trạng vi phạm pháp luật
Thượng tá Dương Văn Giáp, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (CATP Hà Nội) cho biết, trong vòng 3 năm gần đây, trên địa bàn TP đã phát hiện và xử lý gần 1.000 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó riêng năm 2011 đã xử lý hơn 100 đối tượng vi phạm luật hình sự. Đặc biệt, số vụ vi phạm pháp luật của học sinh trên 16 tuổi tăng cao về số lượng và mức độ hành vi. Hành vi đánh bạn trong lớp, quay hình ảnh xấu, thiếu lành mạnh "tung" lên mạng làm đề tài bàn tán; rồi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng đến cả trộm cướp, đánh nhau, hoạt động mại dâm, giết người... còn gây ảnh hưởng tâm lý đến các nhóm đối tượng học sinh khác.
Một buổi giao lưu, tọa đàm về giáo dục pháp luật do Quận đoàn Tây Hồ tổ chức.
Ảnh: Linh Tâm
Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, các nghiên cứu xã hội học cho thấy hiện nay trong học sinh xuất hiện nhiều hành vi lệch chuẩn về giao tiếp, ứng xử. Qua khảo sát 200 học sinh tại các trường THPT ở địa bàn TP Hà Nội, có đến 96,7% số học sinh được hỏi đều cho rằng ở trường các em học, có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Bên cạnh đó, khảo sát trong 200 cha, mẹ học sinh về sự thể hiện hành vi đạo đức trong cuộc sống hằng ngày của trẻ em so với thế hệ trước, 30,8% cho rằng sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ kém trước; chỉ có 26,3% biết ơn thầy cô giáo và 27% nhường nhịn, hòa thuận với anh chị em.
Những hành vi vi phạm chuẩn mực giao tiếp, ứng xử và tình trạng bạo lực học đường ở lứa tuổi học sinh, nhất là cấp THPT thời gian qua cho thấy vấn đề lệnh chuẩn trong giao tiếp, ứng xử xuất hiện ngày càng nhiều và đáng báo động trong giới trẻ hiện nay, dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên sa vào tệ nạn xã hội, bạo lực học đường gia tăng.
Khắc phục lệch chuẩn trong thanh, thiếu nhi
Mới đây, tại hội thảo "Vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh Thủ đô - thực trạng và giải pháp" do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, nhiều chuyên gia nghiên cứu về thanh niên, học sinh và cán bộ Đoàn chuyên trách cho rằng, hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử của học sinh là vấn đề cần lên án, và cần tìm cách giảm thiểu, bởi thế hệ trẻ là tương lai của đất nước.
TS Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý học (Viện Tâm lý học) đưa ra lời khuyến cáo cho những người làm cha, làm mẹ rằng "không nên áp dụng phương pháp giáo dục áp đặt. Cha mẹ cần biết tiết chế, trở thành bạn của con nếu không sẽ nảy sinh mâu thuẫn ngày càng lớn và con trẻ dễ bị lôi kéo vào các hành vi xấu". Còn theo TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, gia đình nào có bố mẹ sống yên ấm, hạnh phúc, ứng xử hòa nhã sẽ là tấm gương tốt cho con trẻ học theo. Nếu trẻ chứng kiến cảnh bố mẹ đánh chửi nhau, sẽ nảy sinh tâm lý có quyền bạo lực, sau này dễ có hành vi bạo lực hoặc cam chịu sự bạo hành. TS văn học Đoàn Hương (Trường Đại học KHXH&NV) cho rằng, những hành vi lệch chuẩn của thanh niên, học sinh một phần xuất phát từ việc các em không đọc sách, bởi đã bị văn hóa mạng lôi cuốn. Vì thế, thầy cô, nhất là những thầy cô trẻ cũng phải ham đọc sách, truyền niềm đam mê, hứng khởi cho học sinh. Nếu không có thói quen đọc thì đời sống tinh thần của mỗi người trẻ sẽ chẳng thể phong phú, tâm hồn cằn cỗi dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.
Ngoài sự theo dõi, giáo dục của gia đình, nhà trường nhiều ý kiến khẳng định, tổ chức Đoàn và các ngành chức năng cần vào cuộc hiệu quả hơn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới phương thức phổ biến, giáo dục bằng trực quan, vụ việc và bài học thực tiễn. Khuyến khích, truyền cảm hứng cho thanh niên, học sinh tìm hiểu pháp luật qua sân chơi tập thể; giúp các học sinh, sinh viên chủ động tìm hiểu, từ đó sẽ hình thành ý thức tự giác, thói quen học tập nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, sống học tập và làm việc theo pháp luật. Đồng thời, Đoàn trường tăng cường tổ chức hoạt động thực tế (sinh hoạt chuyên đề, thảo luận theo chủ đề, trò chuyện cùng chuyên gia…). Trong đó chú trọng những buổi nói chuyện, thảo luận chuyên đề, cuộc thi văn hóa giao tiếp học đường (cho học sinh sắm vai, trải nghiệm tình huống - tìm giải pháp ứng xử - giao tiếp).
Chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử là điều mà mọi xã hội đề cao và coi trọng, đặc biệt là trong giai đoạn giao lưu văn hóa như hiện nay. Việc ứng xử có văn hóa không chỉ tạo nên nét đẹp cho từng cá nhân, mà còn phản ánh bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia, một dân tộc. Chỉ khi hành xử, ứng xử có văn hóa, mới giảm tối đa những yếu tố tác động đến hành vi lệch chuẩn của học sinh, hạn chế những xung đột trong môi trường học đường, giảm vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên.