Vì sao phải "gồng mình"?

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 03/12/2011

(HNM) - Việc nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức (CBCC) ở các cơ quan hành chính đối với người dân đang từng bước đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế phù hợp nên nhiều cán bộ đang phải làm việc quá sức, ảnh hưởng tới chất lượng công việc.

Gánh nặng công việc

Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 đã mang lại sự thuận tiện cho tổ chức, công dân khi không còn phải chen chúc, xếp hàng từ sáng sớm để công chứng, chứng thực tại phòng công chứng nhà nước như trước đây. Song, điều này cũng đồng nghĩa, hơn 4 năm qua, lượng việc của cán bộ tư pháp các phường, xã tăng lên đáng kể. Tại những phường đông dân, lượng giao dịch nhiều, cán bộ tư pháp phải làm việc không ngơi tay mà vẫn không hết việc.

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Ảnh: Bảo Kha

Điển hình là phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) có tới 32.000 dân với 7.000 sinh viên và 42 doanh nghiệp ở trên địa bàn, cùng với trụ sở phường ở vị trí giao thông thuận lợi nên công dân ở các phường khác cũng sang xin chứng thực. Từ đầu năm đến nay, tổng số phí, lệ phí phường Vĩnh Hưng đã thu từ hoạt động giao dịch hành chính là 138.086.000 đồng, trong đó, chủ yếu là tiền thu từ lĩnh vực chứng thực. Phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cũng đang chịu cảnh quá tải do khối lượng công việc quá lớn. Bà Vũ Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết: "Năm đầu tiên thực hiện Nghị định 79, riêng lượng người đến sao y bản chính đã lên tới 23.000 lượt người/năm; từ đầu năm 2011 đến nay là 21.000 lượt người". Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) cũng khẳng định: "Cán bộ tư pháp tại bộ phận "một cửa" rất vất vả. Theo quy định, những thủ tục về sao, chứng thực phải trả ngay trong ngày nhưng nhiều hôm một buổi sáng cả chục người yêu cầu photo, chứng thực chục bộ hồ sơ, mỗi bộ 50 bản". Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa Nguyễn Huy Hài bức xúc: "Hiện việc photo, sao y bản chính đang bị lạm dụng. Photo cả những giấy tờ không nhất thiết phải sao lưu gây lãng phí. Công dân photo nơi khác thì cán bộ phải kiểm tra đối chiếu lại từng tờ, mà photo tại phường thì vất vả cho cán bộ; do sử dụng nhiều, máy photo cũng hỏng liên tục. Bốn năm qua, trong bộn bề công việc, lãnh đạo phường phải thay nhau trực ký chứng thực; sau khi giải quyết các việc khác, cuối giờ sáng và cuối giờ chiều hằng ngày lại gấp rút ký cả nghìn bản". Ông Nguyễn Huy Hài cũng khẳng định, ở những phường đông dân, cấp thiết phải bố trí thêm cán bộ chuyên môn, thậm chí, cần thêm phó chủ tịch mới có thể giải quyết ổn các đầu việc. Dẫn chứng thực tế, ông Nguyễn Huy Hài cho biết: "Phó Chủ tịch phường tôi kiêm 16 chức trưởng ban, vậy thì chỉ riêng đi họp đã không đủ thời gian; không đi thì bị phê bình, mà đi thì hàng "núi" việc bị ngưng trệ".

Nhu cầu giảm tải

Quá tải cũng là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ tư pháp ghi chép sổ sách "ẩu". Trong khi đó, tư pháp là một trong những lĩnh vực đòi hỏi chính xác cao, cần lưu trữ lâu dài. Theo quy định, nhiều thủ tục của lĩnh vực tư pháp phải vào sổ kép (viết thông tin vào 2 quyển sổ), chưa kể các đơn vị lưu cả trên máy tính thì sẽ thành 3 lần nhập thông tin. Phổ biến ở các đơn vị cấp xã, cán bộ vẫn ghi tắt, bỏ trống việc điền thông tin trong sổ. Nếu để thực hiện trọn vẹn công việc thì cán bộ phải nán lại làm việc ngoài giờ, thậm chí phải mang việc về nhà...

Một trong những nguyên nhân của tình trạng quá tải là do bố trí thiếu cán bộ. Theo quy định, đơn vị cấp phường, xã có trên 10.000 dân trở lên, phải bố trí 2 cán bộ tư pháp. Trong khi đó, ở Hà Nội có khá nhiều phường có số dân đông nhưng chỉ có 1 cán bộ tư pháp như: phường Thành Công (quận Ba Đình) có 27.000 dân, Khương Mai (quận Thanh Xuân) 20.000 dân, Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) gần 20.000 dân; phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) 32.000 dân… Quyết định số 84/2009/QĐ-UBND quy định về việc thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội đã nêu rõ: cấp xã được bố trí 2 biên chế lấy trong tổng số biên chế được giao. Tuy nhiên, theo quy định, tổng số biên chế của cấp xã chỉ từ 20 đến 25 người, trong khi đó, cấp xã có quá nhiều đầu việc. Do đó, các đơn vị thường lúng túng trong việc bố trí sắp xếp cán bộ.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đã xác định: "Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành nhiệm vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước". Nếu ngay từ bây giờ, các ngành chức năng không nghiên cứu, đưa ra các biện pháp nhằm giảm tải công việc cho cán bộ, bảo đảm họ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động thì e rằng 10 năm nữa mục tiêu này vẫn chưa thể hoàn thành.

Hiền Chi