Vướng trong chứng thực chữ ký

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 03/12/2011

(HNM) - Sau hơn 4 năm thực hiện, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã bộc lộ nhiều bất cập.

Tại Hà Nội, trong đợt kiểm tra về các hoạt động tư pháp mới đây, nhiều quận, huyện đã nêu lên những khó khăn trong việc chứng thực chữ ký bởi sự "vênh" nhau trong các quy định hướng dẫn, tạo ra những phức tạp không đáng có cho cán bộ tư pháp khi thực thi nhiệm vụ.

Theo khoản 2, Điều 17, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ "người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực". Nghị định 79 cũng nêu, trưởng phòng, phó trưởng phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực. Tuy nhiên, theo quy định về cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hiện nay thì việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu của tổ chức, công dân liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có chứng thực chữ ký đều phải qua bộ phận "một cửa". Theo đó, việc tiếp nhận hồ sơ được giao cho cán bộ là chuyên viên giúp việc thụ lý, kiểm tra. Sau khi kiểm tra, hồ sơ mới được chuyển lên cho lãnh đạo phòng tư pháp ký chứng thực. Điều này dẫn đến một thực tế là người yêu cầu chứng thực không thể thực hiện được việc ký trước mặt lãnh đạo phòng tư pháp như quy định tại Nghị định 79/CP.

Mặt khác, do thực tế công việc nhiều, hầu hết lãnh đạo phòng tư pháp không thuộc biên chế bộ phận "một cửa" nên họ cũng không thể có mặt tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ để "chờ" người đến chứng thực chữ ký. Còn công dân thì không được phép lên phòng lãnh đạo để yêu cầu ký chứng thực, bởi mục tiêu của cơ chế "một cửa" nhằm tách bạch giữa người có thẩm quyền giải quyết với người dân để hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu.

Một vấn đề nữa cũng đang là "nút thắt" cần tháo gỡ của Nghị định 79 là việc chứng thực sơ yếu lý lịch. Cùng nội dung này có đơn vị thực hiện chứng thực theo hình thức chứng thực chữ ký, có cơ quan chứng thực nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người khai sơ yếu lý lịch…

Điều đáng nói là những vướng mắc này các cơ quan quản lý đều đã biết nhưng việc đưa ra biện pháp "tháo gỡ" lại đang gặp khó khăn bởi có những trường hợp chưa được điều chỉnh bằng pháp luật hoặc có quy định nhưng chưa đầy đủ. Để giải quyết thấu đáo những bất cập nói trên, theo các chuyên gia về pháp luật, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật Chứng thực. Trong đó cần tập trung vào một số vấn đề mới mang tính đột phá trong hoạt động chứng thực như chứng thực chữ ký, chứng thực sơ yếu lý lịch… Đây sẽ là cơ sở pháp lý để cán bộ tư pháp thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo như hiện nay.

Đà Đông