“Thuốc” chữa “bệnh” đầu tư dàn trải
Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 02/12/2011
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ cần được quản lý chặt. Ảnh: Chí Lâm
Hiện cả nước có hơn 32.000 dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước đang được thực hiện, từ những đại dự án như các khu kinh tế, đường bộ cao tốc... trị giá hàng tỷ USD đến những dự án rất nhỏ như lợp lại mái cho lớp học ở vùng sâu. Vấn đề là làm sao để tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải này, nhất là khi đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước được xác định là một trong ba trọng tâm phải xử lý nhằm tái cơ cấu nền kinh tế? Điều này cũng là trăn trở của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh khi phải tìm lối thoát cho những dự án đầu tư công không cân đối được nguồn vốn trong những năm tới. Lối thoát này có thể là hợp tác, "bán" công trình cho tư nhân và nếu không bán được hay không hợp tác được với khu vực kinh tế tư nhân để cùng làm thì chỉ còn cách duy nhất là giãn, hoãn tiến độ cho đến sau năm 2015. Đặc biệt, người ký quyết định phải chịu trách nhiệm với những dự án không xác định rõ nguồn vốn mà vẫn được khởi công. Minh chứng cho điều này, có tỉnh đã khởi công dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ mà chưa được bố trí vốn, bởi công trình này không nằm trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt. Dù công trình đã được thi công gần xong, nhưng vẫn không được TƯ bố trí vốn.
Từ thực tế này, đã có không ít khuyến nghị từ các chuyên gia, các nhà quản lý về việc đầu tư công. Họ cho rằng, cơ chế phân cấp đầu tư công dễ dãi như hiện nay cần phải được thay đổi. Trước hết cần sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách, phân cấp đầu tư và quan trọng hơn là tăng cường vai trò cân đối chung của Chính phủ. Điều này có thể làm được, nhất là khi còn có nhiều tỉnh đang phải nhờ trợ cấp của TƯ vì không tự cân đối được ngân sách địa phương. Như vậy, nếu không có tầm nhìn toàn cục sẽ không thể khắc phục được tình trạng mở rộng hơn nữa các khu kinh tế, cảng biển, sân bay… như thời gian qua. Về vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cũng cho rằng, việc phân cấp quản lý đầu tư hiện nay là quá mức, vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí lớn nguồn lực, làm méo mó cơ cấu nền kinh tế.
Về phân cấp quản lý đầu tư, các câu hỏi làm gì, bao giờ, ở đâu phải do cấp TƯ quyết định; còn ai làm, làm thế nào có thể phân cấp. Tuy nhiên, việc đơn giản nhất có thể làm ngay là giảm quy mô đầu tư công. Vốn đầu tư từ ngân sách phải được giảm xuống khoảng 25% tổng chi tiêu cân đối ngân sách, tránh trường hợp tăng cao lên đến gần 40% như năm 2009. Song, cũng có ý kiến cho rằng cần phải giảm mạnh đầu tư công xuống dưới một phần ba tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trên cơ sở rà soát lại các khoản đầu tư công, căn cứ vào các quy hoạch đã được phê duyệt nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, tạo cân đối trong kế hoạch, có tính khả thi về cân đối tài chính trong trung hạn. Phải tái cấu trúc lại các công trình, dự án đã đầu tư không còn phù hợp và ngăn chặn việc tiếp tục sinh ra các danh mục đầu tư "3 không": không rõ mục đích, không cân đối được nguồn vốn và không xác định được phân kỳ đầu tư. Làm được điều này, không chỉ giúp giảm tỷ lệ đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội, mà còn nâng cao hiệu quả cũng như mức độ đóng góp của dự án vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần thay đổi cơ chế phân cấp trong đầu tư cũng như trong thu chi ngân sách. Quá trình làm cần xác định rõ có những lĩnh vực nào Nhà nước không kinh doanh kiếm lời, nếu có kinh doanh, các DN có vốn nhà nước cũng phải bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Thực tế hiện nay, có những việc cần phải phân cấp nhưng lại tập trung và ngược lại những việc cần tập trung lại được phân cấp dẫn đến hiệu quả không cao.
Đầu tư công cũng phải xét đến tính hiệu quả và lan tỏa. Bởi, khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát được ưu tiên hàng đầu, đầu tư công nên tập trung vào các dự án trọng điểm ở các tỉnh vùng ven để vừa tạo tiền đề phát triển cho địa phương, giải quyết việc làm, hạn chế di dân đến các thành phố lớn, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông… lại vừa có thể giúp cho các tỉnh, thành phố phát triển đồng đều.