Quy mô lớn, hiệu quả cao

Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 02/12/2011

(HNM) - Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định, khẩn trương xây dựng các vùng, khu tập trung, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hình thành vùng chuyên canh hàng hóa nâng cao giá trị sản xuất.


Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội đã tập trung triển khai ở những vùng, xã trọng điểm phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, hình thành nhiều trại, trang trại quy mô lớn cho hiệu quả bước đầu.


Một hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Thanh Oai.

Hà Nội đang tập trung phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm theo hướng công nghiệp, quy mô lớn xa khu dân cư tại các huyện ngoại thành: xây dựng 8 xã nuôi bò sữa trọng điểm và 19 xã phát triển bò thịt cùng với 516 hộ nuôi lợn, 906 hộ nuôi gà số lượng lớn. Đây là xu thế phát triển chăn nuôi của đô thị lớn như Hà Nội mà những năm qua trung tâm đã phối hợp với các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo tại cơ sở theo lộ trình. Năm 2008, trung tâm đã khảo sát quy hoạch chăn nuôi bò sữa tại 7 xã trọng điểm là Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa, huyện Ba Vì; Phù Đổng, Dương Hà, Trung Mầu, huyện Gia Lâm và xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai. Thời điểm năm 2008 tổng đàn bò sữa là 2.921 con, sản lượng sữa là 19.860 kg/ngày, số hộ là 1.364, đến tháng 10-2011, đàn bò sữa tăng lên 6.417 con (tăng 192,7%), sản lượng sữa đạt 58.432 kg/ngày (tăng 194,2%) và số hộ là 2.535 (tăng 1.171 hộ). Như vậy sau 3 năm tại các địa phương này, tổng đàn bò tăng bình quân đạt 64,2%/năm, sản lượng sữa tăng bình quân 64,7%/năm.

Từ kết quả tốt tại 7 xã trọng điểm, năm 2011, trung tâm mở rộng thêm xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, đưa tổng đàn bò tại 8 xã là 6.645 con (chưa kể số bò của Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì) chiếm 67,86% tổng đàn bò sữa toàn thành phố. Đến nay, tổng đàn bò sữa tăng lên 9.899 con, với 2.799 hộ nuôi, quy mô bình quân 3,5 con/hộ. Đàn bò sữa hiện nay được tăng lên cả về số lượng và chất lượng, người chăn nuôi có lãi yên tâm đầu tư sản xuất. Hiệu quả chăn nuôi bò sữa là rất rõ nét về kinh tế, khi nuôi từ 3 con trở lên là có lãi (thu nhập 10-15 triệu đồng/con đã trừ chi phí), tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, cây họ đậu…).

Bên cạnh đó, trung tâm đã quy hoạch được 10 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với 15.051 bò thịt, bò sinh sản trên tổng số 142.833 con tập trung tại các xã vùng đồi gò, vùng bãi ven sông như Minh Châu, huyện Ba Vì, Đông Yên, huyện Quốc Oai; Văn Đức, Lệ Chi, huyện Gia Lâm... Do tốc độ đô thị hóa nông thôn rất nhanh, chăn nuôi bò thịt không tăng nhanh về số lượng song về chất lượng được cải thiện đáng kể. Khi chưa có chương trình phát triển chăn nuôi bò của thành phố, giống bò thịt chủ yếu là giống bò vàng, bò lai sind thì đến nay cơ cấu giống bò thịt được cải thiện rõ nét với 70% bò lai sind, trên 20% bò chất lượng cao, bò "cóc" chỉ còn 10%. Quy mô chăn nuôi trung bình đạt 1,8 con/hộ, trên 700 hộ nuôi 5 con trở lên. Tỷ lệ bò trong diện sinh sản được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đến nay đạt 28%, bê sinh ra từ phương pháp lai thụ tinh nhân tạo nhanh lớn, hiệu quả kinh tế cao được người dân ghi nhận. Từ hiệu quả kinh tế này đã giúp người dân thay đổi nhận thức về việc đẩy nhanh tiến trình cải tiến chất lượng giống bò. Các huyện nuôi nhiều là Ba Vì (43.034 con), Sóc Sơn (27.747 con), Chương Mỹ (20.630 con). Nhờ thực hiện chương trình chăn nuôi theo vùng, chọn xã trọng điểm, đến nay, đàn bò thịt đạt 142.833 con, trong đó số lượng bò thịt tại 5 xã trọng điểm là 7.928 con, tăng 1,9%. Đã tăng 18 hộ chăn nuôi, số bò nuôi bình quân là 3,4 con/hộ, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò trên 30%, nhiều hộ đã và đang mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò thịt theo quy mô lớn hơn.

Cùng với quy hoạch chăn nuôi bò, số lượng lợn nuôi tại 7 vùng, xã trọng điểm gồm Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm đã tăng lên 116.208 con, bằng 71,6%. Có 516 hộ chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư với 164.228 con, tăng 56.024 con và 44 hộ. Số lợn nuôi bình quân là 318 con/hộ. Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chăn nuôi gia cầm quy mô lớn với 998 hộ nuôi 3.974.105 con gà, tăng 1.091.105 con và 452 hộ. Số lượng gà nuôi tại 7 vùng, xã trọng điểm gồm Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn là 3.708.200 con, số hộ nuôi là 906.

Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại thuận lợi cho người chăn nuôi. Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình liên kết và xúc tiến thương mại giúp chăn nuôi ổn định, bền vững và hiệu quả. Trung tâm luôn xác định đây là nhiệm vụ thúc đẩy ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay trung tâm đã thành lập 22 chi hội chăn nuôi bò, bò sữa củng cố và hỗ trợ các hợp tác xã chăn nuôi lợn như Hợp tác xã Hòa Mỹ (Ứng Hòa), Mỹ Hà (Mỹ Đức), Cổ Đông (Sơn Tây). Xây dựng chuỗi liên kết hình thành mô hình chăn nuôi khép kín đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó trung tâm tạo điều kiện, thu hút và hợp tác chặt chẽ với các công ty chế biến tiêu thụ sữa nhằm xây dựng vùng nguyên liệu sữa ổn định, chất lượng, tạo sự yên tâm đầu tư chăn nuôi bò sữa.

Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm quy mô lớn ngoài khu dân cư đang tạo ra một diện mạo mới của ngành chăn nuôi Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giống gia súc lớn