“Love Story” từ tiểu thuyết lên màn ảnh

Giải trí - Ngày đăng : 16:39, 01/12/2011

(HNMO)- Vào 14h thứ bẩy ngày 3/12/2011, tại trung tâm TPD (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình “Từ sách lên màn ảnh”. Trong chương trình số tháng 12 này, khán giả yêu điện ảnh sẽ có cơ hội thưởng thức lại tác phẩm điện ảnh kinh điển “Love Story” (1970).


(HNMO)- Vào 14h thứ bẩy ngày 3/12/2011, tại trung tâm TPD (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình “Từ sách lên màn ảnh”. Trong chương trình số tháng 12 này, khán giả yêu điện ảnh sẽ có cơ hội thưởng thức lại tác phẩm điện ảnh kinh điển “Love Story” (1970) và cùng trao đổi với 2 vị khách mời, dịch giả Hoàng Cường và nhà văn Nguyễn Trương Quý về vấn đề chuyển thể tác phẩm.

Về tiểu thuyết Love Story (Chuyện tình): là câu chuyện về một tình yêu trẻ trung, đam mê và táo bạo; một “tinh thần Harvard” thông minh, năng động, tự lập; một kết thúc chưa đi trọn hạnh phúc dài lâu nên gây buồn và nuối tiếc… Đó là những gì ta có thể nói về chuyện tình của anh chàng sinh viên nhà giàu Oliver Barrett IV và cô nàng Jennifer Cavalleri - học dương cầm, có gốc gác tận nước Ý xa xôi. Cả hai là chân dung của thế hệ trưởng thành vào thập niên 1970 – một thế hệ dường như không quá vin vào những gì cũ kĩ già nua mà luôn tự xác quyết phẩm chất của mình thông qua hành động, khát vọng và việc làm cụ thể. Không quá dồn đẩy vào diễn biến nội tâm, lối viết của Erich Segal, tác giả tiểu thuyết, chủ yếu gây hấp dẫn ở nhịp điệu dẫn chuyện tự nhiên, những đối thoại dí dỏm, thông thái, kịch tính, bất ngờ; kiệm lời mà vẫn đủ xúc cảm lãng mạn. Phần hai của cuốn tiểu thuyết này mang tên Oliver’s Story cũng tiếp nối cách viết ấy, xứng đáng là bộ sách gần gũi với tâm hồn, tính cách tuổi trẻ.

Phiên bản điện ảnh “Love Story” (Chuyện tình) nói về ngày Lễ tình nhân 14/2/1970 tiểu thuyết Love story ra mắt thì chừng mười tháng sau, nó đã được đạo diễn Athur Hiller chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Biết khai thác chất văn hóa đại chúng – một sự kết hợp thú vị giữa âm nhạc của Bach, Mozart và những trận đấu hockey sôi động cùng một tình yêu lãng mạn của sinh viên, bộ phim không những làm mới gương mặt xã hội Mỹ thời hậu hippie mà còn chuyển tải sức sống tươi trẻ đến người xem. Đặc biệt với câu thoại bất hủ “Yêu nghĩa là không bao giờ nói hối tiếc” và âm điệu, lời bài hát chính trong phim (Where do I begin) thì Love story càng trở nên là bộ phim vượt thời gian, từng được Viện phim Mỹ xếp vào danh sách 100 phim tình cảm của 100 năm qua.  

T.Minh