Nóng hổi thị trường việc làm những ngày lễ Tết
Giáo dục - Ngày đăng : 10:10, 01/12/2011
Công việc ngắn hạn, lương thưởng thu hút, chính những yếu tố này đã đẩy các bạn sinh viên thành miếng “mồi ngon” của các nhà tuyển dụng lởm. Đến lúc nhận ra thì mọi sự đã rồi, người chịu thiệt là các bạn sinh viên nhưng mỗi năm các nhà tuyển dụng lại có thêm những cách thức mới.
Lướt qua các trang tìm việc uy tín… không khó để tìm được những tiêu đề như “việc làm noel lương cao ưu tiên sinh viên”, “tuyển nhân viên làm thêm dịp Tết lương thưởng hậu hĩnh”, “cơ hội việc làm chỉ 2h/ngày – trong dịp Noel – lương hấp dẫn”… Để tăng thêm tin tưởng, các rao vặt tìm việc này còn đưa ra những “khẳng định” chắc chắn không qua trung gian, không thu bất kỳ khoản phí nào.
Nói thì vậy chứ trên thực tế có những khoản phí không tên nghe rất hợp lý mà các bạn sinh viên vẫn bị nộp. May thì nộp rồi được đi làm, không may thì mất trắng.
Ảnh minh họa.
Bạn Nguyễn Thị P (sinh viên năm 2 ĐHQG) hồ hởi kể: "Năm nay do bận nên đợt Noel và Tết tây em không về quê được. Thấy thông báo tuyển việc làm dịp lễ, lương cao nên em phải đăng ký ngay. Ban đầu người ta cũng thu 100 nghìn tiền lệ phí hồ sơ, em thấy cũng không quá đắt nên nộp. Phỏng vấn một hồi họ bảo tiếp nhận hồ sơ và bảo nộp thêm 100 nghìn tiền lệ phí làm thẻ và coi như đó là đảm bảo cho việc em sẽ đi làm để họ giữ chỗ. Nghe hơi vô lý những thấy lương khá nên em cũng nộp. May sao công việc cũng ưng ý, bây giờ một ngày làm 4h em được 100 nghìn . Đợt Noel và Tết sẽ được tăng lên 200 nghìn/ ca."
Trái ngược với P, bạn Lê Ngọc T (sinh viên năm 1 đại học BK) bức xúc: "Cuối năm nên công ty H có rất nhiều đợt giảm giá và tặng quà nên thiếu cộng tác viên. Nghe bạn bè kể nên em cũng đến thử đăng ký và bị nộp 100 nghìn lệ phí. Hôm sau đi phỏng vấn thì họ lại kiểm tra kiến thức về công ty, hiểu biết về thị trường. Em không trả lời tốt nên bị loại và mất luôn 100 nghìn. Vẫn còn may, bạn đi cùng em được nhận rồi đi làm thử 1 tuần và bị đuổi với lý do không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vừa mất tiền, vừa mất công”.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các bạn sinh viên mà các công ty đưa ra những cái “bẫy” rất hời để đem lại lợi nhuận cho mình. Như trường hợp như của bạn T thì chỉ cần sau đợt tuyển dụng ấy, có khi số tiền “lệ phí hồ sơ” thu được còn thừa trả lương cho cộng tác viên ấy chứ. Chưa hết, các trung tâm môi giới việc làm cũng nhờ đó mà “lên như diều”. Các bạn sinh viên đến đây đều biết là sẽ phải nộp lệ phí môi giới, họ sẵn sàng nộp với mong ước sẽ kiếm được công việc như ý muốn, mà cũng có phần yên tâm hơn vì đây có trụ sở đàng hoàng.
Cứ nộp hết khoản này, lại kéo theo các khoản khác, vì tiếc các khoản đã nộp nên các bạn đành bấm bụng nộp tiếp vì nghĩ đến mức lương đưa ra rất cao, làm 1, 2 ngày đã hồi vốn. Nhưng lương đâu chả thấy, toàn thấy thiệt thân. Bạn Phạm Kim D là một ví dụ điển hình. Bạn nộp lệ phí môi giới và họ đưa cho bạn địa chỉ đến một gia đình làm giúp việc thời vụ trong dịp tết với mức lương 2tr4/tháng, mỗi ngày chỉ cần đón các em đi học và nấu cơm chiều. Lần nào mò đến cửa nhà cũng đóng chặt, đến lúc gặp được nhà chủ và bắt đầu đi làm thì ôi thôi, có ngày em đến chờ cả buổi trước cổng trường mà không đón được cháu, về nhà chủ mới biết hôm nay được nghỉ, rồi có khi cả nhà chủ đi chơi mà em cứ đứng đợi vì không được 1 câu thông báo. Nhà chủ lại hay bắt bẻ, chán quá em nghỉ việc, thôi thì coi như lệ phí "ngu".
Làm thêm để tăng thu nhập và giảm chi phí học tập cho gia đình là điều tốt. Nhưng các bạn sinh viên cần phải suy nghĩ đắn đo kĩ trước khi chọn việc làm. Đừng vì những lời mời gọi hấp dẫn mà bị lừa, tiền mất tật mang.