Hàng lậu vẫn là nỗi ám ảnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 01/12/2011
Trung tuần tháng 5-2011, Phòng PC46, Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Việt Dũng (Hoàng Mai - Hà Nội) đang vận chuyển 1.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, mang nhãn hiệu: ESSE, 555, Malboro… Mở rộng điều tra, CA đã thu giữ 117.580 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, tổng giá trị lô hàng khoảng 4,5 tỷ đồng. Đây là kết quả của một chuyên án được đánh giá là lớn nhất trong thời gian gần đây trên lĩnh vực buôn bán hàng cấm. Tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm như vũ khí thô sơ vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Cũng trong năm nay, Đội QLTT số 12 phối hợp với Công an TP Hà Nội khám xét xe ô tô mang BKS 14N-5454 của ông Hà Huy Hùng, trú tại Thái Thụy (Thái Bình) và xe mang BKS 14N-5477 của ông Vương Đức Toàn, thường trú tại Đông Triều (Quảng Ninh) đã phát hiện 8,5kg pháo cùng một số đồ chơi bạo lực nguy hiểm, gồm 369 khẩu súng bắn đạn nhựa.
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra, thu giữ thuốc lá lậu. Ảnh: Huy Hùng
Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, trong khi phần lớn hàng giả lại được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ mạnh trên thị trường, như hóa - mỹ phẩm, hàng may mặc, thể thao, điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy, thuốc lá… mang nhãn hiệu nổi tiếng trong, ngoài nước. Gần đây, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Trịnh Văn Trường sản xuất và tiêu thụ khoảng 10.000 chai rượu Vodka Hà Nội giả. Giữa tháng 6-2011, đội QLTT số 17 kiểm tra 4 xe ô tô, phát hiện 12.610kg gà Trung Quốc nhập lậu không có chứng nhận kiểm dịch, không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Dư luận rất bức xúc trước việc sản xuất rượu giả và buôn bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm giảm uy tín về môi trường kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu vẫn tái diễn, khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc hàng hóa.
Tại hội thảo về chống hàng giả và bảo vệ sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Chi cục QLTT Hà Nội tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận nhiều về vấn đề này. Tại đây, Chi cục QLTT cùng Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ sở hữu trí tuệ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Đại diện nhãn hàng mỹ phẩm Nivea cho biết, sản phẩm dưỡng da nhãn hiệu này đang có mặt tại Việt Nam được nhập khẩu duy nhất từ Thái Lan, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều hàng giả có mẫu tương tự. Đại diện nhãn hàng Nike cũng xác nhận, nhiều loại sản phẩm thể thao mang tên Nike đang có mặt tại Việt Nam không phải là hàng thật, song lại giống hàng thật tới 90%, khiến việc phân biệt rất khó khăn. Từ đầu tháng 11 đến nay, QLTT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các DN kiểm tra một số điểm kinh doanh hàng nhãn hiệu nước ngoài như: Nike, Louis Vuiton, Adidas, Gucci, Magic Bullet.
Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, diễn biến thị trường càng về gần cuối năm càng phức tạp, Đội đang dồn sức kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số mặt hàng "nóng" như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá, rượu... Hầu hết các đội trên địa bàn quận/huyện đều tập trung lực lượng, tăng số lượt kiểm tra. Ông Chiến xác nhận, từ đầu năm đến nay, Đội 2 đã phát hiện gần 100 vụ vi phạm, chủ yếu là hàng giả. Trả lời câu hỏi vì sao hàng giả vẫn còn đất sống, ông Chiến cho rằng, trước hết do trình độ làm giả của đối tượng vi phạm rất cao, đến mức gần giống như hàng thật. Bên cạnh đó, nhiều người có thu nhập khiêm tốn vẫn thích dùng hàng "xịn" nên sẵn sàng chấp nhận loại hàng na ná như thật với mức giá thấp, vô tình tiếp tay cho nạn hàng nhái. Mặt khác, phần lớn vụ việc hàng giả vẫn chỉ dừng lại ở mức xử lý phạt hành chính, tác dụng răn đe chưa cao...
Theo Ban Chỉ đạo 127/TP Hà Nội, từ nay đến hết năm 2011, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2012, các lực lượng chức năng sẽ dồn sức, tập trung kiểm tra một số mặt hàng "gắn liền" với Tết, như thực phẩm chế biến, rượu, hóa-mỹ phẩm, quần áo… theo kế hoạch chuyên đề và đột xuất. Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm thời gian qua phần lớn mới chỉ là "cắt ngọn", quan trọng nhất vẫn là điều tra, đánh trúng ổ nhóm lớn chuyên buôn lậu, sản xuất hoặc phân phối hàng giả. Điều này luôn cần nỗ lực của từng đơn vị cũng như sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng…