“Thế giới” đồ gian... (tiếp)
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 01/12/2011
Mới đây, Cơ quan CSĐT - CA quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam các đối tượng Nguyễn Hải Giang, SN 1987, trú tại khu 3, phường Hồng Hà, TP Hạ Long (Quảng Ninh) và Trần Huy Hoàng, SN 1984, trú tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Theo lời khai của Hoàng, cách đây nửa năm, Giang đến cửa hàng sửa chữa xe máy của Hoàng để sửa xe và được Hoàng cho biết có khả năng tiêu thụ những chiếc xe không rõ nguồn gốc. Bản chất lưu manh và có "nghề" làm giả giấy tờ xe gian, Giang đã đồng ý "hợp tác" với Hoàng. Ngay sau đó, Giang môi giới cho Hoàng mua được 4 chiếc xe Honda SH không rõ nguồn gốc với giá "bèo" của một đối tượng ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tiếp theo, Hoàng nhờ Giang làm giấy tờ giả cho những chiếc xe này rồi đem bán. Ngoài việc mua những chiếc xe do Giang giới thiệu, Hoàng còn mua 6 chiếc xe không có giấy tờ của một số đối tượng khác ở Hà Nội và Quảng Ninh rồi làm giấy tờ giả để bán.
Xe tang vật thư giữ. |
Đó là câu chuyện của một vụ án mà bọn tội phạm tiêu thụ hàng gian trong nước, còn một con đường nữa để hàng gian có thể "bốc hơi" là xuất lậu qua biên giới. Để phá một chuyên án trộm cắp, tiêu thụ xe máy qua biên giới, Công an thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã mai phục trên đại lộ Bình Dương (thuộc xã Phú An, huyện Bến Cát, Bình Dương) bắt giữ Đặng Văn Rĩ (SN 1988) và Nguyễn Văn Kha (SN 1988), cùng ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh với tang vật là hai xe máy trộm cắp. Quá trình đấu tranh, Cơ quan Điều tra phát hiện Rĩ và Kha là hai tên trong băng trộm và tiêu thụ xe gian xuyên biên giới. Sau khi "ăn hàng", cả hai đem xe lên khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài đổi biển số giả, di chuyển bằng đường rừng sang bên kia biên giới giao hàng cho đầu nậu tại đây. Mỗi chiếc xe qua biên giới chúng thu lợi 200 - 300USD. Khi có nhiều xe, Rĩ và Kha đem đến khu vực gần cửa khẩu, bàn giao cho đồng bọn thay biển số, chạy thẳng sang Campuchia tiêu thụ.
Khó xử lý
Có lẽ do việc tiêu thụ của gian quá dễ nên chẳng thể thống kê nổi mỗi ngày có bao nhiêu vụ mất cắp đồ ô tô, xe máy trên địa bàn Hà Nội, bởi dù có biết rõ chỗ tiêu thụ của gian, nạn nhân cũng chẳng có cách nào khác khi muốn lấy lại đồ của mình là phải bỏ tiền ra chuộc. Anh Nguyễn Văn Thái, ở Định Công, Hà Nội cho biết: Tết vừa rồi, tôi cũng bị bọn gian lấy mất bộ gương xe. Hôm 30 Tết, chúng trộm một gương, mùng 2 chúng lấy nốt chiếc kia. Mùng 4 Tết, tôi ra Chợ Trời thì thấy luôn đôi gương của mình. Nếu chính quyền mạnh tay trong việc xử lý tiêu thụ hàng ăn cắp thì tôi nghĩ sẽ không có ai ăn cắp gương xe nữa vì nguyên tắc phụ tùng xe phải có nguồn gốc. Vậy, nơi nào bán phụ tùng, khi kiểm tra không có nguồn gốc thì cứ xử lý thẳng tay. Ngay như vụ mất gương xe của tôi, tôi thấy gương của mình được bày bán vẫn để nguyên tình trạng khi vặt, nghĩa là cả cụm khớp đúng vết vỡ của xe bị bẻ. Vậy mà cũng không làm gì được". Với những câu chuyện nêu trên có thể suy ra rằng, với những món đồ gian giá trị thấp còn khó xử lý, thì với những đồ giá trị hơn, chắc chắn việc xử lý không hề đơn giản. Có một mánh khóe mới đang được bọn tội phạm tiêu thụ của gian sử dụng, gọi tắt là "đập và vá". Cách thức này loại bỏ công đoạn sử dụng giấy tờ giả mà chỉ cần đục số khung, số sườn là hoàn chỉnh. Ví dụ, vào thời điểm thị trường đang chuộng các loại xe Honda SH, PS, tội phạm đã so sánh các giấy đăng ký xe của 2 loại xe này với các dòng xe tay ga 150 phân khối trước đó như Dylan, @. Các loại giấy đăng ký xe của 4 loại xe này đều giống nhau về hình thức trình bày, phần nhãn hiệu đều ghi chữ Honda chứ không hề phân biệt là SH, PS, hay Dylan, @. Chính vì vậy, tội phạm tiêu thụ xe gian cho người đi săn lùng các bộ giấy tờ xe tay ga cầm cố ở các tiệm cầm đồ, hoặc mua xe tay ga Trung Quốc cũ nát thanh lý về để lấy hồ sơ. Sau đó đến công đoạn so sánh mã đầu của các loại xe, chúng chỉ cần chọn một đời xe có mã đầu giống với xe trộm cắp là bắt đầu công đoạn hợp thức hóa. Hiện nay, có khá nhiều xe bắt đầu với số đầu là 00 trên dãy số máy, chọn mã phù hợp xong, tiếp tục đến công đoạn đục số khung, số máy cho xe trộm cắp theo số của xe có mã đầu tương tự. Với chiêu thức này, việc lực lượng CSGT phát hiện ra nguồn gốc xe gian trở nên cực kỳ khó khăn vì mỗi ngày phải xử lý hàng ngàn trường hợp phương tiện lưu thông vi phạm trên đường.
Lực lượng chức năng giám định một chiếc xe nghi phạm. Ảnh: Dương Hiệp |
Theo Trung tá Vũ Đức Bình, Đội 11 phòng CSHS - CATP Hà Nội, khó khăn nhất khi xử lý đồ gian (trong đó phần nhiều là xe máy) chính là xác định được người bị hại. Trong rất nhiều chuyên án Phòng CSHS phối hợp với CA các quận, huyện triệt phá nhiều đường dây mua bán xe gian, cơ quan điều tra đã phải phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải BKS xe, tình trạng xe (màu sơn, hình thức…), số khung, số máy để lần ra người bị hại. Khi có sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng, một số người bị hại cũng tìm đến cơ quan điều tra làm việc, nhưng có những vụ việc xảy ra quá lâu, lại trải rộng trên nhiều địa bàn nên việc xác định được nạn nhân là rất khó khăn. Trung tá Bình cho biết thêm, theo Luật Tố tụng hình sự, nếu không xác định được người bị hại thì chỉ khởi tố được vụ án mà không khởi tố được bị can để nghiêm trị hành vi trộm cắp và tiêu thụ của gian trước pháp luật.
Theo Ths. Phạm Văn Báu, Trường Đại học Luật Hà Nội, trong Điều 250 Bộ Luật Hình sự có quy định: "Người nào… chứa chấp, tiêu thụ mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có… thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm", nhưng trên thực tế, chẳng có tên tội phạm nào lại dại gì đi nhận là mình "biết rõ" nguồn gốc tài sản tiêu thụ là của gian. Vì vậy, Nhà nước cần sớm nghiên cứu và sửa quy định của luật hiện nay theo hướng giảm bớt nghĩa vụ của các cơ quan điều tra trong việc chứng minh yếu tố "biết rõ" của người phạm tội trước những diễn biến phức tạp của loại tội này, bởi chứng minh các yếu tố "biết" đơn giản hơn các yếu tố "biết rõ".
Trong khi đợi các cơ quan chức năng phân định "biết" hay "biết rõ" nguồn gốc của gian, mỗi ngày lại có thêm nhiều nạn nhân bị mất xe máy, mất gương và các linh kiện ô tô. Có một điều ai cũng "biết rõ", để hạn chế tối đa tội phạm tiêu thụ của gian, cần triệt phá ngay những tụ điểm tiêu thụ. Thế nhưng, chẳng ai "biết" vì sao những tụ điểm đó đến nay vẫn tồn tại?