HSSV phạm tội ngày càng nguy hiểm hơn

Giáo dục - Ngày đăng : 20:19, 30/11/2011

(HNMO)- Thượng tá Dương Văn Giáp, Phó trưởng phòng CSHS CATP Hà Nội nhận định, không chỉ gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ của tội phạm ở lứa tuổi HS-SV ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo phòng CSGT, mỗi ngày trên địa bàn 10 quận có khoảng 5.000 HS điều khiển xe môtô tham gia giao thông thường vi phạm TTATGT


Hội thảo "Vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh Thủ đô - thực trạng và giải pháp" do Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức ngày 30/11 đã thu hút đông đảo các tham luận của đại diện các cơ quan chức năng, các nhà tâm lý, hoạt động xã hội và hàng trăm học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Thượng tá Dương Văn Giáp đưa ra con số thống kê từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự. Riêng năm 2011, đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng).

Qua các vụ án đã phát hiện cho thấy, nếu như những năm 2000 trở về trước, lứa tuổi HS-SV thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, không gây nguy hại lớn, thì những năm gần đây, tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn, hành vi vi phạm hết sức đa dạng và phức tạp, với hầu hết các loại hành vi phạm tội do người lớn tuổi gây ra, đặc biệt có một bộ phận thanh thiếu niên, HS-SV đã tham gia vào các băng, ổ nhóm tội phạm phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn; hậu quả hết sức nghiêm trọng…

Thời gian gần đây nổi lên tình trạng HS tụ tập nhau thành các băng nhóm, dùng dao, kiếm…để giải quyết các mâu thuẫn, có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như chết người, gây thương tích nặng cho nạn nhân. Theo số liệu thống kê, trong thời gian từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 42 vụ HS tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người. Nguyên nhân có thể chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt và học tập.

Nhiều tham luận cũng đã chỉ ra một bộ phận HS-SV có hành vi lệch chuẩn xã hội, xuống cấp về đạo đức và lối sống, có biểu hiện nhân thức và hành động đi ngược lại với giá trị truyền thống về nhân cách, đạo đức, văn hóa, lối sống…từ đó dẫn đến có hành vi thực hiện, tham gia thực hiện các tệ nạn xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trước hết xuất phát từ gia đình, do cha mẹ chiều chuộng, thỏa mãn vô nguyên tắc những đòi hỏi của con cái hoặc thiếu trách nhiệm, không quan tâm trong việc quản lý và giáo dục con cái, ỷ lại cho nhà trường và xã hội. Một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp hành án phạt tù... khiến các em rơi bị tổn thương về tâm lý, thiếu điều kiện học tập vui chơi, thiếu quản lý, giáo dục, dẫn đến mất phương hướng khi hành động dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, phạm tội.

Bên cạnh đó, việc quản lý HS trong các nhà trường còn nhiều thiếu sót, thường chỉ giao khoán cho thầy, cô giáo phụ trách, còn thiếu cơ chế kiểm tra trách nhiệm thầy cô giáo, đặc biệt là để tồn tại học sinh cá biệt, lưu ban, bỏ học. Đáng chú ý, vấn đề kỷ luật học đường hiện nay chưa nghiêm. Ngoài ra, sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ nên nhiều HS tự ý bỏ học đi lang thang hoặc tìm niềm vui qua các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm mà nhà trường và gia đình không hay biết...

Do đó, các tham luận cũng đã nêu ra nhiều giải pháp như nâng cao giáo dục văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc, phát huy vai trò mỗi tế bào gia đình; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng khác trong việc quản lý, giáo dục các em và phòng chống vi phạm pháp luật của HS - SV.

T.Hoa