Phân tích các trận động đất tại Quảng Nam

Xã hội - Ngày đăng : 13:26, 30/11/2011

Viện Vật lý địa cầu vừa ra thông báo về các trận động đất xảy ra từ đầu tháng 11 đến nay tại khu vực huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).

Phân bố chấn tâm của các trận động đất


Thông báo cho biết, từ đầu tháng 11/2011 ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 4 trận động đất.

Cụ thể, lúc 3 giờ 49 phút (giờ GMT) tức 10 giờ 49 phút (giờ Hà Nội) ngày 3/11/2011 xảy ra động đất với độ lớn M=1,9, tọa độ chấn tâm 15,455oN, 108,027oE, độ sâu chấn tiêu 5 km.

Lúc 14 giờ 14 phút (giờ GMT) tức 21 giờ 14 phút (giờ Hà Nội) ngày 16/11/2011 xảy ra động đất với độ lớn M=2,7, tọa độ chấn tâm 15,412oN, 108,136oE, độ sâu chấn tiêu 3 km;

Lúc 20 giờ ngày 16/11/2011 (giờ GMT) tức 3 giờ ngày 17/11/2011 (giờ Hà Nội) xảy ra động đất với độ lớn M=3,3, tọa độ chấn tâm 15,384oN, 108,007oE, độ sâu chấn tiêu 4,5 km;

Lúc 15 giờ 58 phút (giờ GMT) tức 22 giờ 58 phút (giờ Hà Nội) ngày 26/11/2011 xảy ra động đất với độ lớn M=2,1, tọa độ chấn tâm 15,463oN, 108,034oE, độ sâu chấn tiêu 4 km.

Các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần chấn tâm. Rất nhiều người dân đã cảm nhận được dao động do động đất gây ra. Nhà cửa và các đồ vật treo đung đưa mạnh. Dao động như vậy ứng với cường độ chấn động cấp V theo thang MSK-64.

Có thể thấy rằng các trận động đất đã nêu tập trung gần đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, giữa đứt gãy Hưng Nhượng – Tà Vi và đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn, đồng thời cũng nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2.

Độ sâu chấn tiêu của các trận động đất đã nêu đều nằm ở độ sâu 3-5 km, khá nông so với phần lớn các trận động đất kiến tạo đã quan sát được trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, theo Viện Vật lý địa cầu, có thể cho rằng các trận động đất vừa xảy ra ở khu vực Bắc Trà Mi, Quảng Nam là những trận động đất kích thích, xảy ra sau khi hồ thủy điện tích nước đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Viện Vật lý địa cầu cho rằng, đây chỉ là những nhận định sơ bộ ban đầu. Để khẳng định chính xác vấn đề này cần xem xét một cách chi tiết hoạt động động đất ở khu vực này trong thời gian trước khi tích nước hồ chứa, cũng như cần có thêm những khảo sát chi tiết và quan trắc bổ sung về hoạt động động đất trong khu vực từ một mạng lưới trạm ghi động đất đủ dày.

Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong các nghiên cứu, khảo sát đã tiến hành phục vụ xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, các đứt gãy đã nêu được Viện Vật lý địa cầu đánh giá có khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn 5,5. Gia tốc nền ứng với động đất thiết kế được Viện Vật lý địa cầu kiến nghị sử dụng cho đập thủy điện Sông Tranh 2 là 150 cm/s2, hoặc động đất cấp VII theo thang MSK-64. Với thiết kế như vậy, đập thủy điện Sông Tranh 2 hoàn toàn an toàn dưới tác động của các trận động đất vừa qua.

Thang MSK-64 gồm 12 cấp, được Hội đồng địa chấn châu Âu thông qua năm 1964.

Cấp 1: Động đất không cảm thấy, chỉ có máy mới ghi nhận được.

Cấp 2: Động đất ít cảm thấy (rất nhẹ). Trong những trường hợp riêng lẻ, chỉ có người nào đang ở trạng thái yên tĩnh mới cảm thấy được.

Cấp 3: Động đất yếu. Ít người nhận biết được động đất. Chấn động y như tạo ra bởi một ôtô vận tải nhẹ chạy qua.

Cấp 4: Động đất nhận thấy rõ. Nhiều người nhận biết động đất, cửa kính có thể kêu lạch cạch.
Cấp 5: Thức tỉnh. Nhiều người ngủ bị tỉnh giấc, đồ vật treo đu đưa.

Cấp 6: Đa số người cảm thấy động đất, nhà cửa bị rung nhẹ, lớp vữa bị rạn.

Cấp 7: Hư hại nhà cửa. Đa số người sợ hãi, nhiều người khó đứng vững, nứt lớp vữa, tường bị rạn nứt.

Cấp 8: Phá hoại nhà cửa; Tường nhà bị nứt lớn, mái hiên và ống khói bị rơi.

Cấp 9: Hư hại hoàn toàn nhà cửa; nền đất có thể bị nứt rộng 10 cm.

Cấp 10: Phá hoại hoàn toàn nhà cửa. Nhiều nhà bị sụp đổ, nền đất có thể bị nứt rộng đến 1 mét.

Cấp 11: Động đất gây thảm họa. Nhà, cầu, đập nước và đường sắt bị hư hại nặng, mặt đất bị biến dạng, vết nứt rộng, sụp đổ lớn ở núi.

Cấp 12: Thay đổi địa hình. Phá huỷ mọi công trình ở trên và dưới mặt đất, thay đổi địa hình trên diện tích lớn, thay đổi cả dòng sông, nhìn thấy mặt đất nổi sóng.

Theo VGP News