Dân khổ, chính quyền lúng túng

Đời sống - Ngày đăng : 07:51, 30/11/2011

(HNM) - Việc dành đất nông nghiệp xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) đã góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, hiện trạng doanh nghiệp xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.


Kể từ khi CCN Thanh Oai đi vào hoạt động, không chỉ người dân xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, mà cả người dân các tổ 11, 12 phường Đồng Mai, quận Hà Đông cũng phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông Nguyễn Xuân Sơn, tổ 11, phường Đồng Mai chỉ cho chúng tôi con kênh dẫn nước từ CCN Thanh Oai ra sông Nhuệ, nước đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nguồn nước này do hàng chục doanh nghiệp sản xuất giấy, bao bì, dược phẩm, vật liệu xây dựng, chế tạo cơ khí, lắp ráp ô tô... bên trong CCN Thanh Oai xả ra môi trường. Nằm liền kề phía sau CCN Thanh Oai là bụng chứa bùn đất, rau bèo mọc hoang dại. Bà Đặng Thị Phương, tổ 12, phường Đồng Mai cho biết, bãi đất này trước đây là cánh đồng lúa, kể từ khi CCN Thanh Oai mọc lên nó đã bị xóa sổ, biến thành nơi chứa nước thải. Hằng ngày, người dân phường Đồng Mai đi qua đây hít phải mùi khó chịu, nhất là khi mùa hè. Theo bà Phương, do nước thải bị ô nhiễm lưu cữu nên nguồn nước ngầm và bầu không khí tại khu vực này đã bị nhiễm độc, một số người đã bị bệnh lao phổi, đau mắt và đường ruột. "Tuy chưa xảy ra dịch bệnh lớn, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân" - bà Phương nói. Dư luận người dân khu vực tha thiết đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, "để tình trạng này kéo dài người dân khổ lắm".

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, nhiều người dân xã Bính Hòa bức xúc khi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN là Công ty cổ phần COMA 18 chậm xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại CCN Thanh Oai. Hằng ngày một lượng nước khá lớn kèm theo hóa chất xả thẳng ra môi trường. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Bích Hòa cho biết, trước đây lúa ở khu vực này phát triển bình thường nhưng từ ngày nước thải ở các nhà máy, xí nghiệp bên trong CCN thải ra năng suất cây trồng giảm hẳn, lúa thường bị lốp và lép, cá chết vì nước ở mương quá bẩn. Bà Nguyễn Thị Luyến, xã Bích Hòa cho rằng, đây là hậu quả trước mắt về kinh tế, còn về lâu dài tình trạng này nếu không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân xã Bích Hòa.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở CCN Thanh Oai đã xảy ra thời gian dài, người dân phản ánh, chính quyền và ngành chức năng địa phương đều biết nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Bích Hòa cho biết, tổng diện tích CCN Thanh Oai trước đây khoảng 100ha, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, khoảng nửa diện tích cắt về quận Hà Đông. Trong quy hoạch cũ, chủ đầu tư có dành quỹ đất để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung của CCN nhưng lại nằm trên địa giới phường Đồng Mai (Hà Đông). Có trường hợp doanh nghiệp lén lút xả trộm nước thải ra môi trường, chính quyền địa phương đã bắt quả tang, lấy mẫu nước thải và gửi đi phân tích chờ kết quả chính thức để xử lý. Các cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai và thành phố cũng vài lần kiểm tra, xác định nguyên nhân nhưng chưa xử lý sai phạm.

Ông Bùi Văn Sáng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thanh Oai cho biết, huyện đang xúc tiến thủ tục thu hồi 1ha đất giao cho chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại CCN Thanh Oai. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa thống nhất được chỉ giới đường đỏ nên chưa thể thu hồi đất. Để khắc phục ô nhiễm môi trường tại CCN Thanh Oai, cần sự quan tâm từ nhiều phía, chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN phải tự giác trong việc bảo vệ môi trường. Huyện Thanh Oai khẩn trương hoàn thành các thủ tục giao đất xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời các ngành chức năng của thành phố và huyện cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để cải thiện môi trường sống cho người dân địa phương.

Hữu Hoài