Lỏng lẻo, thiếu “trọng tài”
Xã hội - Ngày đăng : 07:38, 30/11/2011
Liên kết "4 nhà" trong NN là giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2002, Chính phủ đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về khuyến khích liên kết "4 nhà" trong việc tiêu thụ nông sản (NS) thông qua hợp đồng. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ NS hàng hóa với người sản xuất (SX), nhằm gắn SX với chế biến và tiêu thụ NS hàng hóa để phát triển SX ổn định và bền vững. Đi kèm với quyết định này là các chính sách khuyến khích về đất đai, đầu tư, tín dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thị trường và xúc tiến thương mại. Mục tiêu đặt ra đến năm 2005, ít nhất 30% và đến năm 2010 có trên 50% sản lượng NS hàng hóa của một số ngành SX hàng hóa lớn được tiêu thụ thông qua hợp đồng…
Việc liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ dẫn đến trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản chưa đạt hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: TTXVN
Quyết định 80 ra đời hơn 9 năm nhưng việc triển khai vẫn bế tắc, liên kết "4 nhà" chưa có hoặc có nhưng rất "lỏng lẻo". Thực chất chỉ có ND và DN là chính, vai trò của các "nhà" khác chưa nhiều. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ NS hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng ở lúa hàng hóa là 2,1%; chè 9%; cà phê 2,5%; rau quả 0,9% trong tổng sản lượng. Nguyên nhân là do thiếu cầu nối giữa ND và DN, không có vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến. Đặc biệt là thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX tham gia tổ chức dịch vụ tiêu thụ NS cho xã viên...
Tại Hà Nội, việc liên kết tiêu thụ nông sản cũng không mấy khả quan, những mô hình liên kết hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Trần Bá Cao, Chủ nhiệm HTX NN Đại Thắng (Phú Xuyên) cho biết: "Năm 2007, sau khi triển khai dồn điền đổi thửa, 47ha đồng trũng của địa phương được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Thấy hiệu quả cao hơn hẳn trồng lúa, năm 2009, HTX vận động người dân nuôi cá đặc sản là rô đồng và lóc bông với 18 hộ dân tham gia. Sau 4 tháng nuôi, 1ha thu lãi trên 100 triệu đồng. Năm 2010, người dân mở rộng diện tích nuôi, 25 hộ tham gia nuôi thủy sản nhưng do không có hợp đồng với DN tiêu thụ nên sản lượng cá nhiều đồng nghĩa với giá cá giảm chỉ bằng 60% năm trước, trong khi chi phí thức ăn tăng cao. Thu không đủ chi, nhiều hộ đã bỏ cuộc".
Nhà nước phải là "trọng tài"
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã khẳng định, NTM và ND, NN là những yếu tố không thể tách rời. Người ND là chủ thể chính để xây dựng NTM, do đó đời sống ND có được nâng lên thì mới tạo ra được nguồn lực xây dựng NTM. Liên kết, hỗ trợ từ nhiều phía chính là giải pháp để ND tăng thu nhập, do đó cần phải xác định ND là đối tượng, NN là cơ hội và nông thôn là địa bàn. Nhà nước phải giữ vai trò "nhạc trưởng", là nhân tố xúc tác bảo đảm cho sự liên kết giữa DN, nhà khoa học và nhà nông được phát huy. Ông Hồ Quế Hậu, Phó BCĐ xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai cho rằng, bản chất của liên kết là chia sẻ rủi ro, song thực tế đã có sự đùn đẩy rủi ro sang cho nhau. Đặc biệt, mối liên kết giữa ND và DN còn thiếu bền vững, chỉ mang tính thời vụ, đứt đoạn, DN ép giá ND mỗi khi NS được mùa, còn ND lại "bội ước" với DN khi bán NS cho thương lái với giá cao hơn. Do đó, để liên kết "4 nhà" thành công thì sự hình thành mối liên kết kinh tế giữa DN chế biến NS với ND phải trên cơ sở có đủ 3 điều kiện: có cái để liên kết; có nhu cầu cần liên kết và có thể liên kết. Một số ý kiến cho rằng, Quyết định 80 ra đời đã gần 10 năm nhưng hiệu quả thấp, do đó Nhà nước cần rà soát, bổ sung các quy định thực hiện Quyết định 80, nhất là các quy định về đất đai, hỗ trợ đầu tư, tín dụng, chính sách thuế, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại để có điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế cho thấy, hiện nay các điều kiện ràng buộc về pháp lý giữa ND và DN còn rất lỏng lẻo, nên việc xử lý vi phạm hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ dừng lại ở định hướng, chưa thể can thiệp sâu và có chế tài xử lý vi phạm hợp đồng giữa các bên… Do đó, để làm tốt liên kết "4 nhà" với tư cách là "trọng tài" cơ quan chức năng cần có công cụ kiểm tra, giám sát và biện pháp xử lý các bên phá vỡ hợp đồng.
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Bộ đang chủ trì dự thảo quy định một số chính sách thúc đẩy các DN thực hiện liên kết gắn SX với chế biến, tiêu thụ NS thông qua hợp đồng. Theo đó, 3 đối tượng được nhận ưu đãi và hỗ trợ gồm: DN, người SX và nhà khoa học (hoặc tổ chức khoa học) có hợp đồng liên kết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để liên kết "4 nhà" trong NN bền chặt, Nhà nước cần đứng ra làm "trọng tài", có công cụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết và có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia. Bởi thành công của liên kết "4 nhà" sẽ góp phần quan trọng vào đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.