Điểm sáng Long Biên

Đời sống - Ngày đăng : 07:31, 30/11/2011

(HNM) - Dự thảo Luật Quảng cáo chưa được kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII thông qua đã phần nào cho thấy sự phức tạp của hoạt động quảng cáo cũng như khó khăn của công tác quản lý, trong đó có quản lý biển hiệu, biển quảng cáo tấm nhỏ.

Siết chặt quản lý biển quảng cáo tấm nhỏ sẽ dễ dàng hơn nếu có sự phối hợp của chính quyền và người dân. Ảnh: Khánh Nguyên


"Đau đầu" chuyện quản lý

Không phải đến bây giờ TP Hà Nội mới quan tâm đến việc chấn chỉnh biển hiệu, biển quảng cáo tấm nhỏ. Để chỉnh trang bộ mặt đô thị, năm 2009, thành phố đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn, trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh "đối tượng" này. Song, trước những diễn biến phức tạp của thực tế, cộng thêm lực lượng quản lý mỏng, quy chế chưa làm thay đổi nhận thức, hành động của một bộ phận không nhỏ người dân. Kết quả là biển hiệu, biển quảng cáo vẫn bày tràn lan trên vỉa hè, treo lộn xộn trên mặt tiền ở hầu hết tuyến phố, từ nội đến ngoại thành, gây phản cảm, thậm chí nguy hiểm cho người đi đường.

Vụ rơi biển hiệu của cửa hàng vàng bạc Ngọc Toàn, số 30, đường Quang Trung (quận Hà Đông) hồi tháng 6 vừa qua là một ví dụ. Biển hiệu có chiều cao 3,4m, chiều dài 5,5m đã đổ sập trong một cơn dông khiến 3 người trú mưa bị thương. Hay như ở phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), biển hiệu nối biển hiệu, biển quảng cáo nọ chồng lên biển quảng cáo kia, có cái lấn vỉa hè đến hơn 1m, có cái lơ lửng từ tầng 5 xuống mặt tiền tầng 2. Biển quảng cáo của các hãng thời trang Nino Max, đầm bầu BB, đầm bầu Hà An và X-Jean, The One, giày dép thời trang… nhan nhản trên vỉa hè đường Xuân Thủy (Cầu Giấy). Trên đường Giải Phóng (Hai Bà Trưng), đối diện với Bệnh viện Bạch Mai xuất hiện không ít biển hiệu "Nạo thai", "Hút thai" kẻ vẽ công phu, treo ngược xuôi ngay trước mắt người qua đường. Ấn tượng về phố huyện Ba Vì cũng là biển quảng cáo vàng bạc, đồ gỗ, cơm phở… dọc tuyến đường 32.

Không chỉ làm mất mỹ quan, có nhiều biển hiệu, biển quảng cáo còn dùng tiếng nước ngoài, tiếng lóng hoặc cố tình gây sốc. Điển hình cho loại quảng cáo này là biển hiệu rất to, đỏ chóe ở 176 đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) với dòng chữ: "Ối Giời ơi! Rẻ quá" được gỡ xuống cách đây chưa lâu.

Bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Tấm biển này được quận Đống Đa cấp phép kinh doanh, sau khi bị dư luận lên án, Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra mới yêu cầu thu giấy phép và buộc tháo dỡ. Điều đó cho thấy, không chỉ người dân mà một số cơ quan chức năng cũng chưa quan tâm tới việc quản lý biển hiệu, biển quảng cáo tấm nhỏ".

Kinh nghiệm từ Long Biên

Quản lý biển hiệu, biển quảng cáo tấm nhỏ không đơn giản nhưng quận Long Biên đã triển khai thành công ở một số tuyến phố và kinh nghiệm của quận này đang được nhân rộng.

Ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng VH-TT quận Long Biên cho biết: Cuối năm 2009, quận đã thống kê, chụp ảnh hiện trạng ở một số tuyến phố chính trên địa bàn. Tại thời điểm này, phường Ngọc Lâm có 951 biển, phường Bồ Đề có 403 biển, phường Gia Thụy có 603 biển vi phạm… Quyết tâm thay đổi bộ mặt đô thị, quận đã cụ thể hóa quy chế của thành phố bằng nhiều văn bản, tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản bằng nhiều hình thức; đồng thời lãnh đạo quận trực tiếp họp với dân để các quy định "ngấm" đến họ. Khi người dân đã hiểu, quận ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị với từng gia đình. Gia đình nào vi phạm các nội dung như đã cam kết sẽ không được xét công nhận gia đình văn hóa.

Với những hộ có biển hiệu vi phạm, quận ra thông báo yêu cầu chấn chỉnh, tháo dỡ. 10 ngày sau nếu các hộ vẫn cố tình vi phạm, quận sẽ tiếp tục thông báo lần 2 kèm theo các hình thức xử phạt. Sau thông báo lần 2, với các hộ vẫn chây ỳ, quận xử phạt theo quy định và trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc cưỡng chế tháo dỡ. Cùng với xử phạt hành chính, những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị "bêu dương" trong các cuộc họp dân cư hoặc trên hệ thống đài tuyền thanh quận để người dân được biết. Nhờ những biện pháp "rắn' này, ở một số tuyến phố chính được triển khai thí điểm như Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Sơn, Long Biên 1, Long Biên 2, số trường hợp vi phạm đã giảm được 70-90%. Ông Nguyễn Trọng Duy khẳng định: Thời gian đầu triển khai, người dân phản ứng gay gắt, quyết liệt, đôi khi còn xung đột với người thi hành công vụ. Vì thế, Long Biên phải đổi "chiến thuật", để các phường kiểm tra chéo và không cố định giờ đi kiểm tra, xử lý. Nay người dân đã thấy rõ lợi ích của vỉa hè, lòng đường thông thoáng, mặt phố khang trang nên đã hợp tác với chính quyền. Ông Nguyễn Trọng Duy cho rằng, để có được kết quả bước đầu như hôm nay, các cấp, các ngành từ quận tới cơ sở ở Long Biên phải vào cuộc quyết liệt, bền bỉ, chỉ cần buông lỏng quản lý, mọi công sức 2 năm qua sẽ… đi tong.

Theo bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH,TT&DL Hà Nội, năm 2012, Sở có kế hoạch chấn chỉnh biển hiệu trên địa bàn thành phố, lấy mô hình quản lý của Long Biên làm điển hình để phổ biến cho các quận, huyện, thị xã khác học tập. Với thành công trong quản lý quảng cáo tấm lớn năm 2010, quảng cáo rao vặt năm 2011, hy vọng năm 2012 Hà Nội sẽ "trị" được biển hiệu, biển quảng cáo tấm nhỏ...

Minh Ngọc