Những người khuyết tật… may mắn

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 29/11/2011

(HNM) - Dù không còn nhìn thấy ánh sáng như Hoàng Minh Quang hay đi lại khó khăn như Lưu Thị Hiếu do di chứng bại não bẩm sinh nhưng hai sinh viên này đã, đang cố gắng học tập và tham gia các hoạt động xã hội để trở thành những người có ích. Họ cho rằng, dù khuyết tật, vẫn luôn thấy mình may mắn.


Bị bại não vẫn học 3 ngoại ngữ

Vừa gặp mặt, Lưu Thị Hiếu (quê ở Lương Tài, Bắc Giang) sinh viên năm thứ 3, Khoa tiếng Đức, ĐH Hà Nội đã vui vẻ kể cho chúng tôi nghe chuyến đi tình nguyện ở Sa Pa (Lào Cai) đầy thú vị. Hiếu bảo: Học sinh ở vùng cao rất vất vả, đi bộ mười mấy cây số mới đến được trường, hằng ngày còn tranh thủ xuống chợ bán hàng kiếm tiền giúp bố mẹ. Hiếu cùng các bạn đến thăm và tặng những món quà nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa. Đây là một trong nhiều hoạt động mà Hiếu thường xuyên tham gia để chia sẻ khó khăn với trẻ em nghèo. Đặc biệt, qua sinh hoạt ở tổ chức nước ngoài hỗ trợ trẻ em nghèo, khuyết tật Hiếu đã có thêm những người bạn ngoại quốc giúp em thực hành tốt tiếng Đức, tiếng Anh. Em thích thói quen đúng giờ, làm việc chăm chỉ của người Đức. Ở trường, hai năm đầu em đều đạt kết quả loại khá và được học bổng. Năm học thứ 3, Hiếu chọn ngoại ngữ thứ 2 là tiếng Tây Ban Nha để tiếp tục khám phá bản thân và cảm nhận một nền văn hóa mới.

Lưu Thị Hiếu.

Tuy thân hình nhỏ bé, cột sống lệch về bên trái do di chứng bại não bẩm sinh, nhưng Hiếu có một nghị lực phi thường. Nhớ ngày đầu tiên học lớp 1, cô giáo khuyên em không nên đi học vì khả năng đi lại và phát âm của em rất kém. Nhưng Hiếu quyết tâm tập đi cho vững, tập nói cho rõ, luyện các bài phục hồi chức năng để có sức khỏe tốt. Sự nỗ lực đó theo em hết cấp I, cấp II, cấp III và vào giảng đường đại học. Hiếu là chị cả trong nhà nên việc phấn đấu còn để làm gương cho hai em. Hiếu mơ ước sau này sẽ làm nghề công tác xã hội, giúp nhiều người vượt qua khó khăn. Em chia sẻ: "Cuộc sống này rất tươi đẹp, em thật là may mắn vì có một gia đình hạnh phúc, có nhiều bạn tốt".

Mở tâm hồn bằng tri thức

Chàng trai khiếm thị Hoàng Minh Quang sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, về học ở Đại học Sư phạm Hà Nội với ước mở trở thành "người lái đò tri thức". Quang tâm sự: "Em muốn học thật nhiều, thật giỏi để sau này giúp trẻ em khiếm thị có tri thức, vượt qua khó khăn trong cuộc sống".

Hoàng Minh Quang

Vốn là một cậu bé khỏe mạnh, hiếu động, khi 15 tuổi, phát hiện bị u não, Quang đã phải dừng học tập. Sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u, thoát khỏi lưỡi hái tử thần, Quang phải đối mặt với một mất mát lớn, đó là không còn nhìn thấy vì bị teo gai thị. Suốt 4 năm ròng rã, bố mẹ đưa em đi khắp nơi để chữa trị. Thương bố mẹ già yếu, phải vay mượn tiền vất vả lo cho con, khi sức khỏe phục hồi Quang đã trở lại trường học. Quang nói: "Từ đó, thay cho đôi mắt, em phải nhìn bằng tâm hồn và ý chí". Nhờ bố mẹ, người thân và bạn bè động viên, giúp đỡ trong việc đi lại, Quang đã miệt mài học và đỗ đại học như bao bạn sáng mắt khác. Quang chọn khoa Tâm lý học, những mong hiểu biết hơn về con người.

Giờ đây, trong căn phòng nhỏ ở ký túc xá, nhiều đêm Quang phải vượt qua những cơn đau đầu và rối loạn giấc ngủ khi thời tiết thay đổi. Nghĩ đến bố mẹ già yếu đang phải vất vả để kiếm tiền, em càng quyết tâm học tập nhiều hơn. Quang có những người bạn cùng phòng, cùng lớp cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ em trong sinh hoạt, học tập. Em rất thích tham gia các hoạt động tập thể để được giao lưu với nhiều người, nhất là với những người khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Quang chia sẻ: "Em thấy mình may mắn vì được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học dù kinh tế gia đình rất khó khăn, mẹ già (60 tuổi) thường xuyên đau yếu, một mình bố làm việc nuôi em. Em luôn tự nhắc mình cố gắng học tập tốt để sau này trở thành giáo viên, mang niềm vui đến cho những người khiếm thị".

Vân Nga