Nhiều giải pháp mạnh chống tai nạn, ùn tắc

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 29/11/2011

(HNM) - Ngày 28-11, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) đã tổ chức hội nghị triển khai công tác trật tự ATGT năm 2012. Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBATGTQG Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Bộ trưởng Công an, GTVT, lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các địa phương… Hội nghị đã thống nhất phải hành động quyết liệt nhằm lập lại trật tự kỷ cương giao thông trên cả nước, chống ùn tắc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong Năm An toàn giao thông 2012.

Tai nạn giao thông và tình trạng ùn tắc đang là vấn đề bức xúc không chỉ riêng của Hà Nội. Ảnh: Ngân Hạ


Nhức nhối tai nạn và ùn tắc giao thông

10 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 11.036 vụ tai nạn làm 9.265 người chết, 8.379 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2010, giảm 181 vụ (1,61%), 118 người chết (1,26%), nhưng tăng thêm 214 người bị thương (2,62%). Về ùn tắc, cả nước xảy ra 172 vụ ùn tắc kéo dài trên 1 giờ (giảm 5 vụ so với cùng kỳ 2010), trong đó 44% vụ do tai nạn, 23% do phương tiện vượt quá năng lực hạ tầng… Tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý. Số người chết do tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn cao, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra… Nguyên nhân do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông kém, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy (72% số vụ tai nạn liên quan tới đối tượng này). Chính quyền địa phương, một số bộ, ngành vẫn chưa quan tâm đúng mức đến bảo đảm trật tự ATGT; lực lượng chức năng còn mỏng…

Phải hạn chế nhập cư vào đô thị lõi

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số, phương tiện cao, thành phố đang đứng trước áp lực rất lớn dù đã, đang thực hiện nhiều giải pháp cả trước mắt cũng như lâu dài nhằm bảo đảm trật tự ATGT. Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, quy hoạch, phát triển hạ tầng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá đối với thành phố và kiến nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần ủng hộ Hà Nội trong quy hoạch, di dời các cơ quan, đơn vị trong nội đô, hạn chế nhập cư vào "đô thị lõi". Nghị quyết, văn bản chỉ đạo đã có nhiều, vấn đề là thực hiện. Chủ trương đã có nhưng chưa bộ, ngành nào di dời, nhường đất lại cho thành phố phát triển hạ tầng công cộng. Thành phố kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu cho áp dụng mức thu phí, lệ phí cao để góp phần giảm phương tiện cá nhân.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay, trong năm tới ngành giao thông sẽ nghiên cứu cấm taxi, xe tải lưu thông giờ cao điểm tại một số tuyến phố ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cùng với việc thực hiện thay đổi giờ làm việc, giờ học, kinh doanh của các cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh bắt đầu từ tháng 1-2012, giải pháp được tính đến là sẽ tiến hành cấm lưu hành phương tiện giao thông cá nhân trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường trọng điểm, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Quyết liệt trong xử phạt vi phạm

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian qua công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe còn nhiều lỗ hổng, trách nhiệm một phần là của ngành giao thông. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải dự kiến vào tháng 4-2012 sẽ chính thức cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới, tăng cường kiểm tra, rà soát lại các trung tâm đào tạo, cấp phép lái xe. Khi xảy ra tai nạn giao thông có thể xem xét trách nhiệm liên đới của đơn vị đào tạo cấp phép lái xe, đơn vị đăng kiểm chất lượng phương tiện… Để khắc phục tình trạng nhiều lái xe sau khi vi phạm thì bỏ trốn luôn, chủ xe không chịu nộp phạt, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang kiến nghị bãi bỏ hình thức nộp phạt tại kho bạc mà nên áp dụng hình thức xử phạt thông qua tài khoản. Mỗi chủ xe ô tô sẽ phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng với giá trị từ 10-20 triệu đồng và coi đây là yêu cầu bắt buộc khi điều khiển ô tô tham gia giao thông. Đối với lái xe vi phạm nhiều cũng nên thu bằng và kiểm điểm cả cơ sở đào tạo ra cấp giấy phép cho lái xe đó.

Về tình trạng đua xe trái phép, cả Bộ trưởng Đinh La Thăng và Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh đều cho rằng, thời gian qua khó xử lý dứt điểm tình trạng này vì lực lượng chức năng không được tịch thu phương tiện, hơn nữa những phương tiện được các đối tượng dùng để tổ chức đua thường là xe đi mượn của người khác, hoặc đã sang nhượng nhưng chưa sang tên nên không thể tịch thu được vì không chính chủ. Vì vậy, Chính phủ cần có quy định cho tịch thu phương tiện đua xe trái phép dù đó là xe chính chủ hay không, đồng thời yêu cầu chủ phương tiện khi đã sang nhượng phải làm thủ tục sang tên nếu không sẽ tịch thu.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, cần tăng mức xử phạt, thậm chí là xử lý hình sự để tránh nhờn luật và chống tình trạng chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng. Theo ông, ngoài việc tăng mức xử lý, cần nghiêm khắc xem xét lại chất lượng quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, nếu phát hiện tiêu cực cũng phải xử lý nghiêm.

Mỗi năm giảm 5-10% số vụ tai nạn

Hiện nay, bảo đảm ATGT được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu từ trung ương đến địa phương, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực. Mục tiêu là giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, người chết, bị thương. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phấn đấu mức tối đa 10%. Để giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc, tai nạn, cần thiết phải thực hiện ngay, đồng bộ cả các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Một số giải pháp cấp bách cần làm ngay như: nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, chống tiêu cực trong đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; khắc phục nhanh các "điểm đen"; lập lại kỷ cương đường phố; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm và yêu cầu tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm. Các bộ, ngành chức năng xem xét xây dựng, áp dụng các mức thu phí, lệ phí để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Về lâu dài, phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ đủ tính răn đe, cũng như chiến lược phát triển giao thông hài hòa. Các cấp chính quyền địa phương kiên quyết dành đất cho giao thông (tối thiểu là 16%); phát triển vận tải hành khách công cộng hiện đại… Phó Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch và sớm triển khai thực hiện quyết liệt "Năm An toàn giao thông 2012".

Nguyễn Đức