Loại bỏ một đợt tăng giá mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 29/11/2011
Thông báo cho biết, sau khi thực hiện việc kiểm tra, rà soát và thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối trước mắt chưa điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Thuế nhập khẩu đối với các loại xăng, dầu vẫn tiếp tục được thực hiện như hiện hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối được sử dụng từ Quỹ bình ổn giá để bù đắp mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở với các mặt hàng dầu phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá xăng.
Thông tin về việc tăng giá xăng, dầu trong những tháng cuối năm đã được loại bỏ, một đợt tăng giá mới sẽ không diễn ra. Theo các nhà kinh tế, xăng, dầu có "quyền số" 2% trong tổng thể giá hàng tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nghĩa là mức tăng giá xăng, dầu 20% thì sẽ tác động trực tiếp đến CPI khoảng 0,4%. Còn ở góc độ xăng, dầu ảnh hưởng đến chi tiêu các hộ gia đình, xăng, dầu chiếm khoảng gần 2,5%, khi xăng, dầu tăng giá 20%, đồng nghĩa, ngân sách chi tiêu thực của người dân nói chung giảm đi khoảng 0,5%... Như vậy, CPI sẽ không bị ảnh hưởng, chí ít trong thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp và người dân cũng bớt lo lắng hơn trong thời buổi khó khăn hiện nay.
Nếu tăng giá xăng, dầu sẽ giảm sức ép của thâm hụt ngân sách, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới và tránh được những méo mó trên thị trường do các hình thức trợ cấp tạo nên… Tuy nhiên, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội lên hàng đầu. Việc Chính phủ can thiệp vào thị trường, cho phép sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp mức chênh lệch, để không phải tăng giá xăng, dầu trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Năm hết, Tết đến nên loại trừ các yếu tố tiêu cực như: gây xáo trộn tâm lý tiêu dùng của người dân, tạo ra những sốc trên thị trường chứng khoán, tăng sức ép giá cả lên những mặt hàng có liên quan đến sử dụng xăng, dầu… Doanh nghiệp, người dân cũng không thể thêm một lần "thắt lưng buộc bụng" vì những hệ lụy của việc tăng giá mang lại.
Tuy nhiên, giữ giá xăng, dầu được bao lâu cũng là cả vấn đề, nhất là khi thị trường dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Chưa kể điều hành hoạt động kinh doanh xăng, dầu như thế nào để tiếp cận với cơ chế thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế khác. Bởi lẽ, nhiều lúc không thể cùng giải quyết bài toán thị trường và an sinh xã hội… Vấn đề hiện tại và không kém phần quan trọng là phải cân đối mức tăng giá xăng, dầu cũng như mức tăng giá điện sao cho hợp lý, bảo đảm các mục tiêu lớn mà các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam đặt ra.
Có thể nhận định việc chưa điều chỉnh tăng giá xăng, dầu trong thời điểm hiện tại là giải pháp tích cực và đã tính đến rất nhiều yếu tố. Một đợt tăng giá mới vào dịp cuối năm đã được loại bỏ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế hướng tới mục tiêu an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và mang lại hiệu quả trong một thời gian nhất định.