Ngôi làng 11 năm không có một đám cưới
Đời sống - Ngày đăng : 13:53, 28/11/2011
Đứng trên cầu Bến Thủy về phía đông, nhìn thấy một cồn đất màu xanh nổi lên giữa dòng sông Lam thơ mộng, đó là thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang 2, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Chỉ cách TP Vinh (Nghệ An) chưa đầy 1 km về phía đông nam, nhưng để đến được ngôi làng này chỉ có một phương tiện duy nhất là đò. Mất 20 phút đi đò từ đất liền ra làng Hồng Lam.
Theo cụ Trần Thị Hương, 100 tuổi, người được xem là già làng của Hồng Lam, làng đã 300 năm tuổi.
Do nằm ở địa thế hiểm trở, trên một cồn đất lớn, bốn bề sông nước mênh mông, lại được xem như trung tâm “tam giác đô thị” (TP.Vinh (Nghệ An) - thị trấn Nghi Xuân - thị trấn Xuân An (Hà Tĩnh), nên trong chiến tranh, đây là điểm tập kết quân, đạn dược, lương thực…
Lên cấp 2, học sinh phải qua đò vào đất liền học |
Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, Hồng Lam là địa phương đầu tiên đứng lên giành được chính quyền.
Làng được vinh danh là một trong những địa phương có số thương binh, liệt sĩ nhiều nhất tỉnh, có trên 40 liệt sĩ, 26 thương binh và rất nhiều bà mẹ liệt sĩ.
Làng có nhiều tên gọi, nào là “ốc đảo Robinson, làng anh hùng, làng bô lão”…, gần đây làng lại có thêm tên mới “làng vắng”, vắng thanh niên.
Dân số gần 800 người, với 220 nhân khẩu, riêng người già 60 tuổi đến 100 tuổi chiếm 1/3, lớp thanh niên từ 18 tuổi trở lên vỏn vẹn 2 người.
Anh Nguyễn Văn Phong, Trưởng thôn Hồng Lam, bảo: “Con em lớn lên bỏ làng đi hết, vào Nam lập nghiệp, sinh sống, có ai chịu về quê đâu”.
Như một tiếng thở dài, anh nói: “Cũng chừng 11 năm nay, làng chưa hề có một đám cưới, có chăng chỉ là đám ma”. “Chúng có lấy nhau cũng không đem về làng tổ chức, bởi đi lại sông nước, thuyền bè cách trở lắm”, anh Phong nói.
Dù diện tích đất tự nhiên của làng trên 400 ha nhưng không làm được gì, vì đất phèn nên chủ yếu dân sinh sống bằng nghề trồng đay, trồng lạc, một số ít đánh bắt cá...
Đến nước ngọt cũng hiếm, phải hứng nước mưa để nấu ăn hoặc lấy từ giếng lên lọc qua rất nhiều lần để sinh hoạt.
Trường tiểu học Xuân Giang 2 được xây dựng tại thôn Hồng Lam, 2 tầng khang trang nhưng chỉ có 31 học sinh, với 5 lớp học. Lớp đông học sinh nhất có 8 em, có lớp chỉ có 3 em.
Không phải vì học sinh bỏ học mà vì “hiếm trẻ con”. Trường gần trung tâm huyện lỵ nhưng lại đơn độc chẳng kém gì một số trường vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhất là vào mùa mưa bão.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Minh, người có thâm niên gần 30 năm “vượt sông gánh chữ” đến trường kể, để đến trường, cô và 6 giáo viên khác phải sử dụng cùng lúc 3 phương tiện: xe máy, xe đạp, thuyền, cùng 2 đôi dép.
Từ nhà đến bến đò đi xe máy, qua sông đi thuyền, vào làng Hồng Lam thì đi xe đạp để đến trường.
Và những đôi giày, dép cũng vì thế mà phải thay đổi, đứng lớp, đi đường các cô đi giày cao gót, khi lên thuyền qua sông là xỏ dép lê.
“Chúng tôi chỉ muốn nghiêm túc với chính mình, lịch sự, đàng hoàng trước các học trò, đồng nghiệp”, cô Nguyễn Thị Loan, chủ nhiệm lớp 4A4, lý giải.
Có lớp chỉ có 3 em học sinh nhưng cũng phải soạn giáo án như dạy 40 em. Quy chế nhà trường không cho dạy lớp ghép, dù đứng lớp chỉ 1 học sinh.
“Cái khổ của giáo viên không phải học sinh ít mà là đường đi khó khăn, qua sông, lụy đò, khổ hơn nữa là mỗi mùa mưa lũ, cả làng ngập nước, giáo viên phải mặc quần đùi, xỏ giày đi cấy đến tận đùi lội đến trường”, cô Loan chia sẻ.
Chính quyền và người dân xã Xuân Giang chỉ mong ước có một cây cầu cho việc “giao lưu” với đất liền đỡ cực.