Thị trường bất động sản VN vẫn thu hút nhà ĐTNN
Bất động sản - Ngày đăng : 10:40, 28/11/2011
Thông tin trên vừa được ông Naito nêu ra tại buổi hội thảo ở Tokyo (Nhật bản) để giới thiệu về bất động sản Việt Nam. Hội thảo do Savills Việt Nam phối hợp cùng với Savills Nhật Bản tổ chức, thu hút gần 100 nhà đầu tư tiềm năng tại Nhật quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Các khách mời tham dự hội thảo về BĐS VN tại Tokyo.
Trong buổi hội thảo, Neil MacGregor, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, đã trình bày hơn 20 cơ hội đầu tư bất động sản cụ thể cũng như tổng quan về nền kinh tế Viết Nam và thị trường bất động sản. Neil cũng nhấn mạnh vào sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư Nhật Bản vào thị trường Việt Nam và sự hợp tác giữa hai nước.
Neil cho biết: “Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn được xếp hạng là một trong những nơi thu hút đầu tư hàng đầu trong khu vực. Mới đây, Việt Nam cũng đã được bình chọn là điểm đến đầu tư hàng đầu đối với các nhà đầu tư Singapore trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Malaysia và Ấn Độ. Đầu năm nay, Việt Nam đã được Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (AFIRE) xếp thứ 4 trong số những thị trường mới nổi về mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Là một thị trường mới nổi với cơ cấu dân số “vàng”, chi phí nhân công thấp, và một vị trí chiến lược trong khu vực, Việt Nam vẫn còn rất nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Thị trường BĐS VN đang rất thiếu vốn, đó là cơ hội cho các nhà ĐTNN.
Neil cũng chia sẻ: “Năm 2011 chứng kiến làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính, truyền thông, hàng tiêu dùng và bất động sản. Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), tổng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1,169 tỷ đô la Mỹ; tăng gấp 8,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một số các thương vụ lớn đã thực hiện trong năm nay bao gồm: Mizuho mua 15% cổ phần từ ngân hàng niêm yết lớn nhất Việt Nam tính theo vốn hóa thị trường, Vietcombank, với mức giá 567,3 triệu đô la Mỹ; Tập đoàn Sojitz, Daiwa House và Công ty Kobelco Eco-Solutions (thuộc Kobe Steel Group) cùng nhau xây dựng khu công nghiệp Long Đức ở Long Thành, Đồng Nai với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100 triệu đô la Mỹ, Japan Asia Vietnam đã mua lại tòa nhà văn phòng Centre Point ở TP.HCM, Nikko Cordial Securities đầu tư vào Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí, Unicharm mua Diana…”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang rất thiếu vốn, vì vậy các nhà phát triển dự án đang tìm kiếm các nguồn tài chính mới bằng nhiều cách như bán toàn bộ dự án, tìm kiếm đối tác liên doanh, bán nguyên block căn hộ hoặc bán mặt bằng bán lẻ và văn phòng… Nhiều nhà phát triển dự án Việt Nam nắm giữ quỹ đất lớn hiện muốn bán bớt đất dự án để huy động vốn xây dựng các dự án khác. Áp lực tài chính đối với các nhà phát triển dự án trong nước dẫn đến sự xuất hiện của nhiều “tài sản xấu” ở Việt Nam, nhưng mặt khác lại tạo ra một giai đoạn với nhiều cơ hội chưa từng có cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù đối mặt với nhiều thử thách như khung pháp lý còn yếu, tính minh bạch thị trường thấp, thủ tục cấp phép phức tạp và sự khác biệt về mức giá kỳ vọng, thị trường vẫn được dự báo rằng số các thương vụ đầu tư sẽ tăng lên nhanh chóng trong một vài năm tới.