Ấn Độ mở cuộc cách mạng về tiêu dùng
Thế giới - Ngày đăng : 07:29, 28/11/2011
Một cửa hàng liên doanh của Wal-Mart và Bharti Enterprises ở Zirakpur, miền Bắc Ấn Độ. |
Một quan chức chính phủ cho biết, nội các nước này đã thông qua một kế hoạch cho phép các công ty quốc tế nắm giữ 51% cổ phần các công ty bán lẻ đa thương hiệu đang hoạt động trong nước. Kế hoạch này sẽ làm tăng giá trị đầu tư nước ngoài đối với các nhà bán lẻ như Gucci, Nokia, Reebok. Theo kế hoạch, các nhà đầu tư sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD để thành lập các cửa hàng bán lẻ đa hàng hóa hoạt động tại các thành phố từ 1 triệu người trở lên. Trong đó, một nửa số tiền được dùng để đầu tư vào mạng lưới phân phối và cơ sở hạ tầng để thay thế mạng lưới cung cấp đã lỗi thời của Ấn Độ. Đây là một trong những thành công của các công ty đa quốc gia nhằm tiếp cận thị trường bán lẻ 1,2 tỷ người tiêu dùng với doanh thu có thể lên đến 450 tỷ USD/năm, là cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ lớn ở nước ngoài như Wal-Mart và Carrefour khi đang phải đối mặt với thị trường bão hòa ở phương Tây.
Thực tế, quyết định mở cửa thị trường bán lẻ rộng lớn của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này được đánh giá là một cuộc cải cách đầy táo bạo. Trước đây, Ấn Độ đề ra các quy định đầu tư nước ngoài chặt chẽ nhằm bảo vệ các cửa hàng do gia đình quản lý trong ngành bán lẻ, trong khi có chưa tới 10% người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng bách hóa tổng hợp có tiếng và lớn hơn. Do đó các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Wal-Mart đang hoạt động tại Ấn Độ dưới hình thức doanh nghiệp bán buôn, nhưng không thể bán hàng trực tiếp cho công chúng giữa những lo ngại các chuỗi bán lẻ quốc tế có thể "nuốt" các cửa hàng nhỏ do gia đình điều hành. Giờ đây, thay đổi chính sách cũng đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ nước ngoài có thể bắt đầu bán hàng cho người tiêu dùng Ấn Độ thông qua việc hợp tác với các nhà bán lẻ Ấn Độ và được phép nắm giữ tới 51% cổ phần trong các liên doanh với các đối tác Ấn Độ.
Tuy nhiên nỗ lực cải cách táo bạo này của Chính phủ Ấn Độ đã gây nhiều tranh cãi. Dư luận trong nước chỉ trích đề xuất này và tỏ ra lo ngại những công ty thương mại nhỏ trong lĩnh vực có nguy cơ phá sản, đồng thời sẽ gia tăng tình trạng thất nghiệp. Song những người ủng hộ chủ trương mở cửa thị trường bán lẻ Ấn Độ cho rằng, quyết định mới của chính phủ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, bên cạnh đó là việc kéo giá cả xuống thấp trong bối cảnh lạm phát tại Ấn Độ gần chạm tới mức hai con số. Ông Kaushik Basu, cố vấn kinh tế hàng đầu Ấn Độ cho biết, mở cửa lĩnh vực bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp giảm bớt "nút cổ chai" trong nguồn cung và làm dịu bớt lạm phát đã lên tới gần 10%. Theo ông, các hệ thống bán lẻ nước ngoài sẽ hiện đại hóa các cách tích trữ và vận chuyển hàng hóa, giảm bớt tình trạng hư hỏng hàng hóa, tạo ra cạnh tranh lớn hơn trong nguồn cung, các nhân tố có thể góp phần kéo lạm phát đi xuống. Ước tính có tới gần 40% rau quả bị hư hỏng trước khi được đưa ra thị trường do không được bảo quản lạnh và thiếu điều kiện vận chuyển. Các nhà kinh tế Ấn Độ nhận định, mở cửa thị trường bán lẻ cho hệ thống các cửa hàng bán lẻ của nước ngoài sẽ không làm thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ của Ấn Độ; trái lại, trong vòng 3 năm tới sẽ tạo thêm 10 triệu việc làm.