Chưa đồng bộ trong sản xuất, tiêu thụ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 28/11/2011

(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn (trên 30.000ha) nhưng chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch, diện tích nuôi tập trung thâm canh rất ít, nên sản lượng, năng suất thấp, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng…

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay diện tích NTTS ở Hà Nội đã phát triển được 20.500ha, tập trung ở các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ… Nhưng diện tích nuôi tập trung thâm canh ít, chỉ khoảng 9.522ha, còn lại chủ yếu nuôi tự phát, không theo quy hoạch nên năng suất thấp, chỉ đạt 5,2 tấn/ha, trong khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 200-300 tấn/ha. Điều này khiến cho NTTS của TP Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Theo ông Đăng, nguyên nhân chính là do chất lượng con giống chưa bảo đảm. Hiện toàn TP có 17 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng khoảng 60% về số lượng giống nhưng chất lượng con giống chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển NTTS theo hướng bền vững. Con giống sản xuất tại chỗ chủ yếu là các loại truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép. Các giống nuôi có khả năng xuất khẩu như cá rô phi vằn, cá diêu hồng và các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như ba ba, cá lăng… còn rất ít, chủ yếu phải nhập từ các địa phương khác về nuôi. Ngoài ra, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi sống theo thời vụ, còn sản phẩm chế biến chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 7-8% nên giá trị không cao. Quy hoạch vùng NTTS cho toàn TP chưa thực hiện được, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển, nhất là hạ tầng thủy lợi. Nguồn nước nuôi thủy sản mang tính tận dụng và sử dụng chung với trồng lúa nên tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững, gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích nuôi thâm canh.


Nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội chủ yếu tự phát, không theo quy hoạch nên năng suất thấp. Ảnh: Bá Hoạt

Anh Chu Văn Đạt ở xã Trung Tú (Ứng Hòa) cho biết: Người dân mua giống đều dựa vào kinh nghiệm là chính, nhiều hộ còn ham rẻ, lấy giống từ các nguồn không rõ ràng dẫn đến tình trạng tỷ lệ cá sống thấp, dễ mắc bệnh. Do diện tích nuôi nhỏ, đa phần chỉ khoảng 0,5ha nên người dân khó đầu tư đồng bộ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng. Vì vậy năng suất rất thấp, chỉ đạt 3-4 tấn thủy sản mỗi hécta. Xã không có cán bộ làm công tác thủy sản nên khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Đầu tư đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, đến hết quý I-2012 sẽ hoàn thành quy hoạch phát triển NTTS chung cho toàn TP làm cơ sở để các huyện thực hiện quy hoạch vùng nuôi tập trung cho từng xã. Hiện nay, trên cơ sở 13 dự án NTTS tập trung ở các huyện với diện tích từ 50ha đến 300ha đã được phê duyệt, TP sẽ đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng, khu vực thu mua, sơ chế theo mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm sản xuất giống và chuyển giao công nghệ thủy sản cạnh hồ Đồng Sương (Trần Phú - Chương Mỹ) sẽ được xây dựng để cung cấp đủ giống thủy sản chất lượng cho các vùng nuôi trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích DN trong công tác tiêu thụ, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản nước ngọt khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại Hà Nội. Đối với các vùng nuôi tập trung, trong tháng 12-2011, TP sẽ ban hành chính sách hỗ trợ 100% giống thủy sản nuôi hai vụ và 50% thuốc thú y cho năm đầu, đồng thời dành 120-150 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng NTTS và chế biến tiêu thụ sản phẩm. Để việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, TP sẽ xây dựng một trung tâm giới thiệu nông sản chất lượng cao 30ha ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), trong đó sẽ dành 2-3ha cho khu vực NTTS kiểu mẫu, đồng thời đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng và khuyến khích DN vào thuê để nuôi trồng theo mô hình khép kín cho người dân đến học tập và áp dụng.

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND TP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, Hà Nội rất có tiềm năng NTTS và có điều kiện thuận lợi về thị trường nên người dân và DN đầu tư vào lĩnh vực này theo đúng quy trình sẽ không thua kém ngành công nghiệp chế biến nào. Nhưng để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất, Hà Nội nên tập trung vào đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá chình, cá lăng, cá tầm… Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp cùng TP tiếp nhận công nghệ sản xuất cá tầm của Nga theo mô hình khép kín. Thứ trưởng cho rằng, Hà Nội nên quy hoạch các vùng nuôi thành khu công nghiệp về thủy sản, trong đó sản xuất từ thức ăn, con giống đến tiêu thụ để giảm từ 50-60% phí đầu vào và kiểm soát được dịch bệnh…

Quỳnh Dung