Chống in lậu: Chẳng lẽ bó tay?

Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 28/11/2011

(HNM) - Trong hai tháng qua, ba sự kiện liên quan đến hoạt động xuất bản đáng chú ý là nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước

In lậu sách là vấn đề nóng cần được tháo gỡ.Ảnh: Thái Hiền


Nhiều và… "nhiễu"

Luật Xuất bản năm 2004 ra đời đã tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động in. Luật ra đời, số cơ sở in ấn mọc như nấm sau mưa, năm 2004 mới có 162 cơ sở in của Nhà nước thì đến nay con số đã xấp xỉ 1.500, của đủ các bộ, ngành, địa phương, dân doanh, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài… Nhiều nhưng đã hẳn là mạnh và liệu có là "sạch"?

Bên cạnh các cơ sở in được trang bị máy móc hiện đại, có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng/dây chuyền thì trong cuộc "bùng nổ" nhà in này vẫn còn không ít điều phải nghĩ. Chuyện cơ sở nhập khẩu "rác" của nước ngoài, chuyện cá nhân không có nghề vẫn hoạt động in… thậm chí là thành lập cơ sở in "ảo" do thủ tục thành lập quá đơn giản. Sự thể khiến lượng tăng nhưng chất không chuyển tương xứng, trở thành một trong những nguyên nhân khiến nạn in lậu bùng phát. Nói như ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam thì "in lậu chủ yếu diễn ra ở các cơ sở in kém chất lượng; các nhà in đầu tư công nghệ hiện đại, có thế mạnh cạnh tranh thì không ai dại gì đánh đổi thương hiệu của mình để lấy chút lợi nhuận từ in lậu".

Một câu chuyện khác là sách, báo hiện chiếm tỉ lệ quá nhỏ trong cơ cấu sản phẩm của ngành in, nhưng in lậu các sản phẩm này không hề là chuyện nhỏ. Sản phẩm in thương mại (bao bì, nhãn mác…) chiếm tới 70%, in sách chỉ còn khoảng 10% (hai phần ba là sách giáo khoa) nhưng ác ở chỗ lại là thứ dễ "xơi", nên luôn là đối tượng để giới đầu nậu tự do nhân bản. Cái lượng 10% ấy tuy ít trong số tổng nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề lớn như nguy cơ tạo thói quen tham rẻ dùng sách "chùa", ngày càng xa rời các chuẩn mực sách quốc tế.

Thực tế ấy dẫn ngành xuất bản Việt Nam đến nhận định không thể đúng hơn: "Quy mô in lậu và sự vi phạm bản quyền ngày càng lớn, cả về số lượng đầu sách in lậu, số bản in lậu và giá trị xuất bản phẩm. Hành vi in lậu ngày càng được tổ chức tinh vi".

Mớ bòng bong khó gỡ?

Nói về in lậu mà chỉ bêu xấu cơ sở in lậu thôi thì chưa đủ, cần phải điểm danh vài phía khác, như đại diện Công ty In Trần Phú, Công ty In Sao Việt nhận định thì cơ sở in cũng chỉ là một khâu trong chu trình xuất bản phi pháp, kẻ chủ mưu phải kể đến là các đầu nậu chuyên làm sách lậu.

Trong thực tế, in nối bản là một dạng lậu khá phổ biến (sản phẩm in đã được cấp phép, nhưng số lượng in vượt quá mức đăng ký). Kiểu cách này giúp đơn vị làm sách trốn được quản lý phí, tạo lợi nhuận "đen" cho nhiều phía nhưng "béo nhất" là giới đầu nậu ăn bám trên lưng đơn vị làm sách tử tế. Giới này lắm chiêu, giàu thủ đoạn. Đại diện Thaihabooks chia sẻ: Đối tượng làm sách lậu sẽ đẩy giá bìa cao hơn so với sách gốc, tăng chiết khấu để đánh lừa độc giả, giảm định lượng giấy, gia công ẩu, nhiều trang bị mất chữ, lỗi font. Thời gian in nhanh đến mức có thể cung cấp nhanh chóng, 20 đến 50 cuốn sách ngay tại chỗ theo yêu cầu. Thậm chí với nhiều loại sách, đầu nậu chỉ in bìa, còn ruột thì… phô tô. Người xem "vớ" được khá nhiều sách kiểu này mà không biết kêu ai. Có đầu nậu tóm chặt nhà in, thông đồng để in quá số lượng nhằm tung sản phẩm ra thị trường trước đơn vị phát hành hợp pháp, hoặc đánh cắp bản gốc để phát hành sớm.

Nhằm tránh cơ quan quản lý, các đối tượng in lậu tổ chức cơ sở in xa trung tâm, thậm chí là ra các tỉnh lân cận. Người trong giới xuất bản nhận định "ngành công nghiệp" in lậu không ngừng phát triển, sự vi phạm quyền tác giả ngày càng trầm trọng, tinh vi, ảnh hưởng đến đơn vị làm ăn chân chính, làm thất thu thuế nhà nước nhưng số vụ in lậu lớn bị phát giác không nhiều có thể kể Xưởng in - Công ty cổ phần Phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam (Nhà sách Tiến Thọ), Công ty TNHH Minh Tâm (Nhà sách Minh Thắng) tại Hà Nội; Công ty cổ phần In Hoa Mai tại TP Hồ Chí Minh…

Tự cứu mình

Thực tế thì in lậu có thể đẩy lùi, tiến tới chấm dứt được không? Hiện tại, câu trả lời là khó, lý do thường được viện dẫn là lực lượng quản lý mỏng. Nhưng còn hiệu quả quản lý hành chính thì sao? Hà Nội có khoảng hơn 400 cơ sở in công nghiệp, nhưng chỉ có hơn 40 cơ sở báo cáo số liệu theo yêu cầu; TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có 150 cơ sở (trên tổng số 300 cơ sở in) có số liệu báo cáo với Sở Thông tin - Truyền thông. In lậu không phải chuyện cái kim, con kiến. Cơ sở in muốn tồn tại phải có nhà xưởng, máy móc, phải hoạt động, nghĩa là không thể "tàng hình" tránh tai mắt số đông. Ngành chức năng có thể "thăm hỏi" giấy phép có hay không, xem bản in có tương ứng với số lượng đăng ký... là rõ lậu hay không lậu. Đó có phải sự yếu kém nhất định trên phương diện quản lý?

Nhiều nhà in đàng hoàng đang phải tìm cách tự cứu mình, dễ thấy nhất là nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất để tạo sản phẩm có tính cạnh tranh. Nhiều đơn vị làm sách tự bỏ công điều tra, phát hiện nơi in lậu rồi báo với cơ quan chức năng. Những NXB mạnh hình thành mô hình khép kín ba khâu xuất bản - in - phát hành nhằm giảm chi phí, nâng chất lượng sản phẩm. Thaihabooks, QuangVanbooks chủ động xây dựng quan hệ tốt với cơ sở in... Nỗ lực tự cứu của một số cơ sở in, xuất bản không phải là tín hiệu tích cực, nhất là trên phương diện quản lý, bởi những cố gắng đơn lẻ không thể dẹp nổi nạn in lậu.

Luật Xuất bản đã được kiến nghị sửa đổi ở cả ba khâu, trong đó có câu chuyện về in. Công tác quản lý xuất bản cũng đã có bước chuyển nhưng về lâu dài, cần phải có chế tài mạnh đối với hành vi xâm hại bản quyền, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan thực thi luật pháp.

Thi Thi