Không thể mãi nuông chiều các “con cưng”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 28/11/2011
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành sản phẩm để Quốc hội và cử tri giám sát. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này phải được cơ cấu lại bảo đảm hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Không phải đến lúc này việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty và nói rộng hơn là doanh nghiệp nhà nước mới được đặt ra, nhưng rõ ràng phát biểu của Thủ tướng trước diễn đàn Quốc hội cho thấy, đây không còn là những đề tài khoa học, hoặc câu chuyện trong các cuộc hội thảo mà đã trở thành vấn đề hết sức bức thiết. Cũng có thể nói như nhiều nhà kinh tế là "đã đến mức báo động đỏ"!
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã từng được kỳ vọng như những "quả đấm thép" với nhiều "sứ mạng", thế nhưng kỳ vọng và thực tế không song hành. Theo số liệu công bố gần đây, doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% vốn ODA… Thế nhưng những "con cưng" của nền kinh tế đã tạo ra quá ít lợi nhuận so với nguồn lực được Nhà nước đổ vào bằng tiền thuế của người dân. Không ít doanh nghiệp đầu tư không đúng lĩnh vực, mê man với những thương vụ ngoài ngành, gây thất thoát vốn nhà nước. Để rồi cuối cùng gây thiệt hại lớn cho cả nền kinh tế!
Chưa kể những chuyện "làm giả", "ăn thật", "đánh lận con đen" như ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, hay chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy những khoản lỗ do sự yếu kém trong quản lý, kinh doanh cho người dân gánh chịu. Rõ ràng Nhà nước và nhân dân không thể gánh mãi hậu quả từ cách làm yếu kém, thậm chí có cả những sai phạm của các doanh nghiệp "con cưng". Nếu ai đó nói, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước là "mảnh đất béo bở" của những nhóm đặc quyền, tham nhũng và bòn rút tài nguyên quốc gia, cũng không phải không có cơ sở?
Nói lại những câu chuyên trên để một lần nữa khẳng định rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là nhu cầu bắt buộc và phải được thực hiện một cách mạnh mẽ bằng tư duy đổi mới. Hiện nay, theo cam kết trong các khuôn khổ song phương và đa phương, một số ngành còn chưa mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trong tương lai sẽ không thể như thế. Nếu không có sự thay đổi quyết liệt, sẽ mất thời cơ để phát triển doanh nghiệp trong nước trước khi bước vào giai đoạn cạnh tranh. Và ở khía cạnh khác, rõ ràng muốn "vươn ra biển lớn", không thể tư duy theo lối "tiêu tiền chùa" và thói làm liều, vô trách nhiệm.
Đã đến lúc phải chấm dứt việc bao bọc các "con cưng" đã có quá nhiều khiếm khuyết, chỉ biết bám lấy "bầu sữa mẹ" và loanh quanh trong bến sông nhà. Các ưu đãi, đặc quyền cần được xóa bỏ để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể nhanh chóng thích ứng và đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.