Văn hóa nghị trường!

Xã hội - Ngày đăng : 05:40, 28/11/2011

(HNM) - Cuối tuần qua, hoạt động nóng nhất và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Đây cũng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, trong đó có những đại biểu lần đầu tiên tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam và tương tự, có những thành viên Chính phủ là "tư lệnh" các ngành lần đầu xuất hiện ở vị trí người trả lời chất vấn.

"Chất vấn" - hiểu theo nguyên nghĩa của Từ điển Tiếng Việt - là "hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì, việc gì". Tuy nhiên, hoạt động này không chỉ đơn giản là việc hỏi, trả lời. Tại nghị trường chất vấn là một khái niệm có nội hàm rộng hơn rất nhiều. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Người chất vấn ở đây là các đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Do đó, mỗi câu hỏi tại nghị trường phải là những vấn đề liên quan tới lợi ích của đa số cử tri, được đông đảo nhân dân quan tâm, những vấn đề mà dư luận xã hội đang bức xúc và cần có biện pháp tháo gỡ, những vấn đề có tính chất dự báo, có thể diễn ra, nếu không có cách thức ứng phó kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội đất nước... Tóm lại, việc chất vấn tại nghị trường là nhằm thể hiện chức năng giám sát, một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội.

Sự khác nhau cơ bản so với các chất vấn thông thường ở đây là: người chất vấn và trả lời chất vấn được pháp luật đặt ở vị trí quan trọng, thảo luận những vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó, sẽ không thể chấp nhận sự dễ dãi hay thiếu nghiêm túc trong chất vấn cũng như trả lời chất vấn.

Tuy nhiên trong thực tế đã diễn ra những điều không nên có.

Một số đại biểu đặt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ trong kỳ họp vừa qua còn nặng về ý kiến cá nhân hơn là lợi ích chung của đông đảo cử tri. Có một vài vị đại biểu thể hiện nhận thức đơn giản hoặc phiến diện về quyền chất vấn tại diễn đàn quan trọng này. Ở đây không thể biện hộ rằng, đại biểu Quốc hội chỉ là... "cầu nối", đưa nguyện vọng của cử tri tới nghị trường. Từng đại biểu phải hội tụ đủ năng lực, tri thức cùng sự am hiểu nhất định vấn đề mình nêu ra cũng như những ảnh hưởng, tác động của vấn đề đó tới đời sống. Có thể cử tri nêu rất nhiều ý kiến, song nhiệm vụ của đại biểu dân cử là lựa chọn những vấn đề xác đáng, vì lợi ích của số đông quần chúng trong xã hội để hỏi và yêu cầu thành viên Chính phủ trả lời. Lại có những đại biểu đưa ra câu hỏi nhưng thực chất là "khoe" sự hiểu biết, khi chèn vào trong phát biểu những câu tiếng Anh mang tính chuyên ngành mà không phải ai cũng hiểu. Rồi có đại biểu nêu chất vấn thế này: "Tôi chỉ xin hỏi thêm bộ trưởng hai câu nhỏ để giúp bộ trưởng ghi thêm điểm". Ơ hay, tại nghị trường sao lại có chuyện "vận động hành lang" mang hơi hướng hội hè như vậy? Hay trong chất vấn, có đại biểu đưa ra "kết luận" rất không nghiêm túc: "Trả lời vòng vo thế ai làm bộ trưởng cũng được". Ai cũng hiểu là chức vụ bộ trưởng cần phải chọn một người cụ thể phù hợp đương nhiên đã được các cơ quan cao nhất của Đảng, Nhà nước xem xét hết sức nghiêm túc và chính tập thể Quốc hội bỏ phiếu. Vậy nên chất vấn kiểu như vị đại biểu này, dù thanh minh "chỉ là đùa" cũng không thể được. Nghị trường đâu phải chỗ để đùa! Chưa hết, có một số đại biểu chất vấn với thái độ gay gắt, thiếu thuyết phục, khiến người trả lời chất vấn bị ức chế; rồi một số chất vấn của đại biểu cho thấy năng lực, khả năng cập nhật thông tin hạn chế...

Những chất vấn như đã nêu là thiếu sự tôn trọng người được hỏi, thiếu sự tôn trọng diễn đàn chung và đặc biệt là thiếu sự tôn trọng hàng chục triệu cử tri đang theo dõi truyền hình trực tiếp một hoạt động quan trọng rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước.

Chất vấn không thể là "bới lông tìm vết", "soi mói" khuyết điểm, chất vấn không phải là để níu kéo nhau, cản trở nhau, mà là để xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm - những đặc tính quan trọng của một nhà nước pháp quyền. Phê bình mặc dù là thuộc tính của chất vấn, nhưng không phải mục đích của chất vấn. Qua chất vấn giúp cho hoạt động của các cơ quan và người được chất vấn làm tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Đối với các thành viên Chính phủ, "tư lệnh" của từng ngành, từng lĩnh vực, thông qua việc trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội là cơ hội để cho cử tri thấy rõ mức độ am hiểu của mình đối với công việc được giao, tư duy chiến lược, hoạch định tổng thể phần việc phụ trách, cũng như các giải pháp cụ thể giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tế và tương lai, năng lực tổ chức lãnh đạo, khả năng thuyết trình vấn đề... Việc trả lời chất vấn ở đây không đơn thuần là câu trả lời của cá nhân bộ trưởng mà chính là đại diện cho sự điều hành của Chính phủ đối với từng ngành, từng lĩnh vực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của nhân dân.

Điểm chung giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn là sự bình đẳng giữa một bên là đại diện cho cử tri cả nước và một bên đại diện cho sự điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với một số đại biểu sắc sảo trong chất vấn, đã có nhiều thành viên Chính phủ rất thẳng thắn, rành mạch trong trả lời chất vấn, để lại ấn tượng tốt đối với cử tri về sự am hiểu quyền của người chất vấn và người trả lời chất vấn theo luật định, về năng lực, hiểu biết chuyên môn, về kỹ năng thuyết trình trước công chúng... Có thể lấy ví dụ như nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, hoặc như nguyên Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) trong trả lời chất vấn ở các khóa trước đã từng phân tích cho người hỏi về sự "lạc đề", giải thích cho cả những vị đại biểu đặt câu hỏi nhưng không nắm được bản chất của sự việc. Đó là sự bình đẳng, dân chủ cần thiết tại nghị trường.

Như đã nói mục đích chung giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn là tìm ra những giải pháp hiệu quả, đề ra chiến lược hợp lý nhằm giải quyết các vướng mắc, cản trở công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao đời sống dân sinh. Cùng hướng tới mục đích đó thì việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ "thẳng thắn mà không đao to búa lớn, không gay gắt, căng thẳng, tranh luận nhưng rất chân tình, chân tình nhưng không né tránh và nhân nhượng" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nguyên là Chủ tịch Quốc hội) từng nói. Ấy cũng là văn hóa nghị trường (văn hóa đặc biệt) cần thiết trong tranh luận tại Quốc hội. Văn hóa ở đây không chỉ thể hiện trong giao tiếp, ứng xử, thuyết trình, mà còn là tầng sâu kiến thức, vốn hiểu biết, cũng như sự rành rẽ về vai trò, trách nhiệm, vị trí của người đại diện cho nhân dân và người đại diện cho cơ quan quản lý tại cơ quan quyền lực nhà nước cấp cao nhất.

Cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đều phải chịu rất nhiều sức ép, đó là "nhiệt độ" của nghị trường, là sự tiếp cận đồng loạt gần như tức thời của các cơ quan truyền thông, là sự quan tâm theo dõi trực tiếp của hàng chục triệu người dân qua màn hình... Những đại biểu Quốc hội, những thành viên Chính phủ lần đầu xuất hiện tại diễn đàn này chắc chắn không tránh khỏi lúng túng. Do đó có thể hiểu và chia sẻ tâm sự của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng với báo giới sau khi kết thúc phiên trả lời chất vấn: Có lúc tôi cũng run, các bạn thử ngồi trên đấy mà xem... Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, không có cách nào khác là cả hai phía đều phải nâng mình lên một tầm cao mới, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri. Nhưng nâng mình lên xứng với vị trí của mình không có nghĩa là đại biểu Quốc hội khi chất vấn có quyền không tôn trọng người trả lời chất vấn và tôn trọng những nguyên tắc văn hóa nghị trường và ngược lại.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội có thể nói như một cuộc sát hạch về nhận thức, năng lực, cái tâm, cái tầm của cả hai phía: người hỏi và người trả lời. Cử tri cả nước, những người đã đặt lòng tin của mình vào từng lá phiếu khi bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội chính là "trọng tài" của những cuộc sát hạch này và là người "chấm điểm" chính xác nhất. Vậy nên các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội không đơn giản chỉ là việc hỏi và trả lời thuần túy như từ điển định nghĩa, mà đó là hoạt động pháp lý ở cấp độ cao. Và cũng vì thế hoạt động chất vấn cũng là nơi thể hiện văn hóa nghị trường ở cấp độ cao nhất. Hy vọng những phiên chất vấn sau của Quốc hội sẽ không còn những điều "không nên có" xảy ra.

Lê Hoàng Anh