Liên hoan Văn học quốc tế Manila - 2011: Ba điều thú vị
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 27/11/2011
Từ Manila - Philippines, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai đã gửi tới bạn đọc Hànộimới bài viết dưới đây.
Những câu hỏi thiết thực
Liên hoan Văn học quốc tế Manila 2011 có sự góp mặt của các NXB quốc tế tên tuổi như Atlantic Book UK, Putnam (thuộc hệ thống NXB Penguin), cùng các đại diện văn học đến từ Singapore, Ấn Độ và Mỹ. Gần một trăm giáo sư văn chương, nhà văn, nhà thơ trong nước và quốc tế, nhiều nhà xuất bản, nhà phê bình tên tuổi của Philippines cũng tham dự.
Nhà văn Edward P. Jones và Junot Diaz chia sẻ về tác phẩm. |
Ba ngày làm việc, nhiều nội dung quan trọng cho việc phát triển văn học Philippines và văn học châu Á đã được thảo luận một cách cởi mở và sôi nổi. Trong đó, các cuộc hội thảo tập trung vào những câu hỏi thiết thực như những yếu tố dẫn đến thành công của các tác phẩm văn học Philippines trên thị trường quốc tế? Cách thức các tác phẩm văn học Philippines và châu Á có thể tiếp cận với các NXB quốc tế? Cách quảng bá các tác phẩm văn học trên thị trường quốc tế sau khi ấn phẩm ra đời? Bên cạnh đó là hàng loạt chủ đề về văn học khác, như về sách thiếu nhi và thanh thiếu niên, hồi ký, tiểu thuyết, thơ, truyện thần thoại và truyền thuyết; cách vận dụng các yếu tố hài hước và châm biếm trong tác phẩm…
Vai trò của người đại diện văn học
Giải thưởng Văn học châu Á - The Man Asian Literary Prize được thành lập năm 2007, trao cho tiểu thuyết xuất sắc nhất của một nhà văn châu Á viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh. Số tiền thưởng tương đương với 30.000 USD cho tác giả và 5.000 USD cho dịch giả (nếu có). Năm nay, 12 tác phẩm đang được xem xét thuộc Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, không có tiểu thuyết Việt Nam nào. |
Theo ông Ravi Mirchan dani, Tổng Biên tập NXB Atlantic Book UK, những nhà văn châu Á muốn tiếp cận các NXB hàng đầu thế giới để xuất bản các tác phẩm bằng tiếng Anh phải thông qua một đại diện văn học (literary agent). Đại diện văn học là những người sàng lọc bản thảo để chọn ra các tác phẩm đáng xuất bản, giúp tác giả thực hiện công việc hiệu đính ban đầu, đại diện cho quyền lợi của tác giả và gửi tác phẩm đến rất nhiều NXB để tìm kiếm một hợp đồng tốt nhất cho việc bán bản quyền và phân phối tác phẩm. Các đại diện văn học thường không bao giờ nhận tiền của tác giả cho công việc đọc, trao đổi và hiệu đính tác phẩm. Thay vào đó, họ sẽ nhận một phần tác quyền khi NXB đã ký hợp đồng và trả tiền cho tác giả. Bà Rachel B.Kahan, phụ trách biên tập NXB Putnam (Mỹ) cho biết, hiện nay thị trường văn học khá dồi dào bản thảo nhưng cơ hội cho tác giả châu Á vẫn đang rộng mở vì thị trường cần có thêm tiếng nói của những nhà văn châu Á. Còn theo bà Jayapriya Vasudevan, đại diện văn học tại trụ sở Singapore của Công ty Jacaranda Press, hiện bà vẫn đang săn tìm bản thảo tiếng Anh của các tác phẩm văn học do các nhà văn đang sống tại Việt Nam và Campuchia sáng tác.
Ngay trong khuôn khổ hội thảo, Công ty Jacaranda Press đã làm nức lòng những nhà văn tham gia LH bằng cách ký hợp đồng đại diện văn học với hai nhà văn nữ trẻ tuổi của Philippines. Đó là Criselda Yabes với tác phẩm Below the Crying Mountain (Dưới ngọn núi khóc). Tiểu thuyết này đã vào vòng chung kết Giải thưởng Văn học châu Á. Bên cạnh đó là F.H. Batacan với tác phẩm Những vòng tròn nhỏ hơn, nhỏ hơn (Smaller and smaller circles) - cuốn tiểu thuyết hình sự đầu tiên của Philippines, xuất bản năm 2002 và đã giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín trong nước như Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng Carlos Palanca Grand Prize và Giải thưởng Madrigal - Gonzalez.
Một chia sẻ thú vị khác của nhà văn Mỹ Holly Thompson (hiện đang sống và viết tại Nhật Bản) là dù các NXB và các đại diện văn học đang "nguây nguẩy lắc đầu" với thơ, các nhà thơ có thể tìm con đường xuất bản bằng cách sáng tác tiểu thuyết thơ (verse novels). Từ năm 1998, tiểu thuyết thơ của Karen Hesse với tựa đề Out of the Dust (Ở bên ngoài bụi), đã giành được giải thưởng văn học danh giá Newbery Medal. Có thể kể đến một số tác giả tên tuổi về tiểu thuyết thơ như Sonya Sones, Ellen Hopkins, Steven Herrick, Margaret Wild…
Mua vé dự liên hoan và bài học tổ chức
Dù là Liên hoan Văn học quốc tế nhưng tất cả những ai tham gia, trừ diễn giả và ban tổ chức, đều phải mua vé vào cửa. Giá vé là 2.000 peso, tương đương gần 1 triệu đồng Việt Nam cho ba ngày. Hoặc 800 peso, tương đương gần 400.000 đồng cho một ngày. Nhà văn Neni Sta. Romana Cruz, Chủ tịch Ủy ban Phát triển sách quốc gia, Trưởng ban tổ chức LH cho biết : việc người tham dự mua vé bảo đảm rằng họ thực sự muốn đến để học hỏi và đóng góp cho LH. Bà Neni Sta. Romana Cruz cũng cho biết, công tác tổ chức cho LH mất gần một năm trời, với "mũi nhọn" chính là việc mời được các tác giả và các NXB uy tín nhất của thế giới. Ban tổ chức thiết kế một chương trình có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả, NXB… hàng đầu Philippines, ở các độ tuổi khác nhau.
Có thể nói LH đã được tổ chức rất chuyên nghiệp và chất lượng. Sự hài hước của người dẫn chương trình và các diễn giả đã tạo nên một không gian cởi mở và đầm ấm. Những người tham gia đã học hỏi được kinh nghiệm quý báu từ những tác giả thành công trên thị trường quốc tế, được tiếp thêm luồng sinh khí mới để có thể đưa văn học châu Á hội nhập cùng văn học thế giới.