Vẫn chỉ là thí điểm

Công nghệ - Ngày đăng : 08:33, 26/11/2011

(HNM) - Mặc dù đã triển khai thí điểm tại quận 6 từ năm 2006, tổng kinh phí lên tới 7 tỷ đồng, nhưng đến nay chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) ở TP Hồ Chí Minh vẫn


Người dân chưa có thói quen phân loại rác vào hai thùng khác nhau.

Thực ra thì từ năm 1998, nhiều quận, huyện của TP đã làm quen với việc PLRTN thông qua dự án của các tổ chức phi chính phủ. Đến năm 2004, UBND TP quyết định thực hiện thí điểm PLRTN tại các quận 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương vẫn chưa triển khai, trừ quận 6. Ông Trần Văn Danh, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 6, đơn vị được giao trực tiếp thực hiện chương trình cho biết, chương trình PLRTN được cụ thể hóa bằng dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt, kinh phí trên 6 tỷ đồng từ ngân sách TP, thí điểm tại 9/14 phường của quận.

Để phục vụ công tác thu gom, công ty đã cung cấp cho mỗi hộ dân 2 thùng đựng rác và 2 bịch nilon (6 tháng/lần); cung cấp 2 thùng rác dung tích 240 lít cho các trường học, cơ quan hành chính; cung cấp xe thô sơ 2 ngăn cho lực lượng thu gom rác dân lập và quốc doanh… Kết quả bước đầu cho thấy, người dân đã dần thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi mà thay vào đó là PLRTN. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình PLRTN trên địa bàn quận 6 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu kinh phí để thực hiện đồng bộ từ khâu phân loại đến thu gom và vận chuyển rác. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa nghiêm túc thực hiện PLRTN triệt để, đôi khi thực hiện lấy lệ. Lực lượng thu gom rác dân lập ảnh hưởng lớn đến sự thành công của dự án, nhưng một số đối tượng thuộc lực lượng này lại không đồng tình thực hiện PLRTN vì mất nguồn thu nhập từ phế liệu. Song, khó khăn nhất khiến dự án vẫn chỉ dừng ở "thí điểm" là do TP chưa ban hành quy chế PLRTN một cách cụ thể, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được chương trình PLRTN, chưa có nhà máy chế biến rác hữu cơ thành phân bón compost, nên việc PLRTN vẫn chưa có "đầu ra".

Tạo thói quen cho người dân

Theo ước tính của Sở TN&MT, mỗi ngày trên địa bàn TP "sản sinh" khoảng 7.000 tấn rác các loại, trong đó Công ty Môi trường đô thị tiếp nhận 3.000 tấn và Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam tiếp nhận 3.000 tấn, nhưng cả hai đơn vị này đều xử lý bằng cách đưa rác đi chôn lấp. Đại diện Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam cho biết, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón compost từ rác tái chế nhưng do TP chưa giao được rác đã phân loại nên không thể tái chế. Duy nhất có công ty Vietstar đang thực hiện tái chế rác thành phân bón compost, công suất 600 tấn rác/ngày, trong đó tái chế thành phân bón compost và tái chế rác công nghiệp khoảng 70%, còn lại vẫn phải chôn lấp. Với tốc độ phát sinh rác thải như hiện nay, nếu không PLRTN thì nguy cơ gây ô nhiễm ở TP sẽ ngày càng nhanh hơn.

Theo kế hoạch xử lý rác của TP, đến năm 2020 có khoảng 70-80% lượng rác thải được tái chế, trong đó 30-40% tái chế thành phân bón compost, 30-40% được đốt để tạo năng lượng, 20% tái chế, tái sử dụng theo các hình thức khác hoặc chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với cung cách làm việc mỗi nơi một kiểu như hiện nay, xem ra kế hoạch trên khó thành hiện thực. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi cuối năm ngoái TP yêu cầu các quận, huyện tự cân đối ngân sách để thực hiện việc PLRTN, khác với kế hoạch ban đầu là TP sẽ "bao cấp" vốn. Đại diện Sở TN&MT cho rằng, muốn chương trình PLRTN thành công, TP phải ban hành cơ chế bắt buộc người dân thực hiện bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho họ. Bên cạnh đó, TP phải yêu cầu các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải rắn không gom chung rác sau khi đã được người dân phân loại.

Trước đòi hỏi cấp thiết của việc PLRTN trên địa bàn, chiều 22-11 vừa qua, lãnh đạo TP đã chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo mô hình phân loại rác tại nguồn. Trao đổi với PV Hànộimới, một cán bộ Sở TN&MT cho biết, sắp tới TP sẽ thực hiện PLRTN tại các điểm có nhiều rác thải như nhà hàng, khách sạn, siêu thị và trường học… chứ không triển khai tại các quận, huyện như hiện nay. Đồng thời, TP sẽ tiếp tục chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thực hiện việc PLRTN ở từng hộ dân, dự kiến vào năm 2013.

Đình Hiệp