Cần cơ chế và giải pháp đồng bộ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 26/11/2011

(HNM) - Nâng cao trình độ lý luận chính trị, học vấn, tay nghề cho công nhân lao động (CNLĐ), từng bước trí thức hóa công nhân đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn (CĐ) Thủ đô, nhằm thực hiện Nghị quyết 20 của Đảng về


Đi học - ước mơ của CNLĐ

Phan Thị Kim Ngân, công nhân giỏi Thủ đô năm 2010, thợ may bậc 3/6 Công ty cổ phần Dệt 10-10 không chỉ có nghị lực, quyết tâm vượt khó, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập nâng cao trình độ kiến thức, tay nghề. Gần chục năm qua, dù đồng lương eo hẹp, hằng ngày đi làm cách nhà gần 20km, phải đi bằng xe buýt, nhưng Ngân vẫn cố gắng học tại chức buổi tối tại Học viện Tài chính. Công việc quá vất vả, kinh tế khó khăn, nhiều lần định bỏ học, nhưng Ngân hiểu rằng, nếu có trình độ kiến thức cao hơn, sẽ có cơ hội công việc và thu nhập tốt hơn. Uớc mơ đó là động lực thôi thúc Ngân quyết tâm phải lấy bằng được tấm bằng đại học.


Đào tạo nghề cho người lao động tại Trung tâm Dạy nghề huyện Từ Liêm. Ảnh: T. Gi

Phạm Quốc Huy, Tổ trưởng Tổ sơn, Công ty cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội (thuộc LĐLĐ quận Hoàng Mai) tuy là công nhân trực tiếp sản xuất, chuyên sửa chữa ô tô hỏng do tai nạn, đại tu xe cũ, công việc khá vất vả, nhưng Huy vẫn thường xuyên tự học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và sau nhiều tháng cố gắng, Huy đã đỗ vào một lớp tại chức ngành CNTT của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Huy hy vọng ra trường tiếp tục phấn đấu trở thành kỹ sư cơ khí giỏi đóng góp cho Thủ đô và tạo dựng sự nghiệp mới cho bản thân.

Trên thực tế, những tấm gương như Ngân và Huy kể trên chỉ là số ít. Thời gian qua, tổ chức CĐ luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động CNLĐ và DN để thúc đẩy hiệu quả học tập nâng cao trình độ, tay nghề công nhân. Tuy nhiên, thực tế, hiệu quả chưa cao, bởi nhiều lý do khác nhau, trong khi CĐ cứ ra sức kêu gọi, tuyên truyền, vận động CNLĐ đi học, thì hầu hết CNLĐ dù rất muốn học cũng không thể đến lớp học, bởi ngoài nỗi lo cơm áo, gạo tiền, họ không còn đủ thời gian và tiền bạc để đầu tư cho việc học hành.

Thống kê mới nhất của LĐLĐ TP, ba năm qua, toàn TP có hơn 406 nghìn lượt CNLĐ ở các KCN và CX được học tập chính trị cơ bản; hơn 9.300 công nhân được học bổ túc văn hóa; hơn 20 nghìn công nhân học đại học; hơn 186 nghìn CNLĐ học ngoại ngữ, tin học và hơn 83 nghìn lượt CNLĐ được đào tạo nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, con số này vẫn quá "khiêm tốn" nếu so sánh với số CNLĐ của TP là hơn 800 nghìn người...

Thiếu cơ chế, chính sách cho cả việc dạy và học

Ông Nguyễn Như Vang, Phó Hiệu trưởng Trường dạy nghề CĐ cho biết, có một nghịch lý đang tồn tại, khiến cho chủ trương nâng cao trình độ tay nghề CNLĐ chưa đạt kết quả. Đó là, trong khi TP có hơn 820 nghìn CNLĐ trực tiếp trong các DN, thì hệ thống CĐ TP mới chỉ có một cơ sở đào tạo duy nhất là Trường dạy nghề CĐ. Nhưng, đáng nói là, trường có gần chục lớp học, với đủ ngành nghề từ cơ khí đến cắt may, dạy nấu ăn, ngoại ngữ... nhưng luôn luôn trong tình trạng "ế ẩm", không bao giờ được lấp đầy. Qua khảo sát ở nhiều DN cho thấy công nhân rất muốn đi học, nhưng khi nhà trường đặt vấn đề tổ chức lớp đào tạo cho CNLĐ thì DN thường từ chối mà nguyên nhân dễ thấy là sợ ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc. Ông Vang kiến nghị, cần có cơ chế ràng buộc cụ thể để DN ủng hộ công nhân đi học và cũng nên có chính sách hỗ trợ, giúp công nhân có thể đến cơ sở đào tạo.

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hà, Viện phó Viện Công nhân - CĐ, để xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, vấn đề quan trọng là phải tập trung các nguồn lực cho đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt của CNLĐ, từng bước trí thức hóa công nhân. Muốn vậy, phải đổi mới mô hình dạy nghề, có chính sách khuyến khích DN tham gia dạy nghề theo hướng các cơ sở dạy nghề trong DN được hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Mặt khác, Nhà nước cần tập trung lãnh đạo cải cách hệ thống đào tạo nghề, tăng cường các nguồn lực để đào tạo, đào tạo lại và cần quan tâm hoàn thiện hệ thống hướng nghiệp ở cấp học phổ thông…

Thực tiễn đã chứng minh, người sử dụng lao động có vai trò quan trọng trong việc nâng cao học vấn, tay nghề và hiểu biết pháp luật của CNLĐ, còn ở người lao động là ý thức tự giác học tập và được giúp đỡ để tự vươn lên làm chủ chính mình. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ như: Nhà nước có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc người sử dụng lao động đề cao trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ học vấn và tay nghề cho công nhân. Xây dựng thương hiệu DN phát triển bền vững, tạo điều kiện để NLĐ gắn bó lâu dài với DN. Đề cao vai trò, vị trí của tổ chức CĐ, nhất là CĐ cơ sở trong việc động viên CNLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xây dựng chính sách khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng, tạo động lực cho CNLĐ phát huy khả năng của mình...

Linh Nhi