Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS-VS Trần Huy Liệu

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 26/11/2011

(HNM) - Ngày 25-11, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS-VS Trần Huy Liệu (1901-2011). Hội thảo đã nghe 22 tham luận của các thế hệ cán bộ, nhà khoa học, đồng nghiệp viết về GS-VS Trần Huy Liệu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động cách mạng, hoạt động khoa học...


Tham luận cho thấy GS-VS Trần Huy Liệu là một trí thức yêu nước và cách mạng, nhà hoạt động chính trị, nhà sử học, nhà văn hóa có cống hiến quan trọng cho đất nước. Ông sinh ngày 5-11-1901 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở huyện Vụ Bản - Nam Định. Lớn lên khi đất nước bị thực dân xâm lược, thấy cảnh người dân bị áp bức bóc lột nặng nề, ông đã biểu lộ sự phẫn nộ sâu sắc. Những tác động của thời cuộc, với sự nhạy cảm trước cái mới và từ những điều tai nghe mắt thấy đã thôi thúc ông sớm tham gia viết báo, in sách để cổ vũ phong trào yêu nước, vận động đòi tự do dân chủ, chống thực dân, phong kiến. Bị thực dân kết án, đày ra Côn Đảo, được tiếp xúc với những chiến sĩ cộng sản, ông đã tìm ra cho mình con đường cách mạng chân chính và sau khi ra tù trở thành đảng viên cộng sản, hoạt động công khai trên mặt trận báo chí của Đảng ở Hà Nội cho đến khi lại bị bắt, đày lên nhà tù Sơn La, rồi vượt ngục trở về tham gia tích cực vào những sự kiện trọng đại nhất của dân tộc trong những ngày Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8 năm 1945, ông tham dự Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào và được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Cách mạng thành công, Trần Huy Liệu được cử làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Tuyên truyền và thay mặt Chính phủ Cách mạng vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại. Ông còn là Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Chủ bút Báo Sao vàng, Báo Cứu quốc, Chủ tịch Ủy ban Vận động đời sống mới, Trưởng ban Thống nhất của Quốc hội. Trần Huy Liệu đồng thời là người sáng lập và là người lãnh đạo đầu tiên của Ban Nghiên cứu sử - địa - văn, tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay.

Vũ Hoa