Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 25/11/2011
Hà Nội hiện có hơn 200.000ha đất sản xuất lúa, việc cơ giới hóa tập trung giúp cho các khâu từ gieo thẳng lúa, chăm sóc và thu hoạch lúa được tiến hành nhanh, đúng khung thời vụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất, sức lao động, nhanh, gọn.
Thu hoạch lúa bằng máy gặp đập liên hợp.Ảnh: Chí Lâm
Tuy nhiên, hiện nay cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội mới tập trung ở khâu làm đất (đạt trên 80%), khâu cấy cơ bản vẫn theo phương pháp truyền thống. Các khâu khác như thu hoạch, chế biến, bảo quản cũng chủ yếu theo hình thức thủ công, quy mô hộ gia đình. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm, cơ giới hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và nâng cao thu nhập cho nông dân. Cần đẩy mạnh cơ giới hóa vào tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến rau an toàn...
Đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 của Hà Nội đặt mục tiêu đối với ngành trồng trọt, cơ giới hóa làm đất đạt 90-95% diện tích; khâu gieo cấy đạt 40-45%; khâu thu hoạch đạt 45-50%; từng bước áp dụng cơ giới hóa trong khâu bảo quản, chế biến nông sản. Đối với ngành chăn nuôi, thủy sản; cơ giới hóa chăn nuôi bò sữa với 60% tổng đàn bò sữa; chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 30% trang trại áp dụng cơ giới hóa; 20% diện tích nuôi trồng thủy sản được đầu tư trang bị máy móc sục khí.
Tuy nhiên, ruộng đất canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún, bình quân 4,8 thửa/hộ với diện tích 400m²/thửa, nhiều nơi chỉ đạt 200m²/thửa. Đây là khó khăn lớn nhất khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Các hộ nông dân có ruộng liền kề cần liên kết để phá bỏ bờ vùng bờ thửa, tạo thuận lợi đưa máy móc vào sản xuất. Muốn vậy, chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc dồn điền đổi thửa, tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả cơ giới hóa. Một số máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản như máy làm đất, gặt đập liên hợp có chất lượng tốt nhưng giá quá cao. Một chiếc máy gặt đập liên hợp có giá lên tới 650 triệu đồng, nếu không có chính sách hỗ trợ, người dân không thể mua nổi.
Sở NN&PTNT Hà Nội đang đề nghị UBND thành phố có chính sách hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc cho người nông dân. Việc thành lập các HTX dịch vụ làm nhiệm vụ cơ giới hóa cũng là giải pháp đang được khuyến khích nhằm hỗ trợ người dân đưa máy móc vào sản xuất. Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, để đẩy mạnh cơ giới trong nông nghiệp, tiến tới nền sản xuất hàng hóa thì cần tiến hành chuyển giao công nghệ, cải tiến máy móc của nước ngoài cho phù hợp với điều kiện thực tế trong nước để giảm thời gian và chi phí nghiên cứu.