Lãng phí tiềm năng năng lượng tái tạo

Công nghệ - Ngày đăng : 07:09, 25/11/2011

(HNM) - Tiềm năng lớn nhưng ứng dụng ít, đó là một trong những thách thức khi phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở nước ta. Các nhà khoa học cho rằng, để phát triển nguồn tài nguyên quý giá này cần đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực nghiên cứu, đầu tư chiều sâu trong việc đổi mới và làm chủ công nghệ khai thác NLTT.


Nhiều cơ hội phát triển

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng khai thác nguồn NLTT như thủy điện nhỏ, mặt trời, gió, các loại sinh khối từ phế thải nông - công nghiệp và địa nhiệt… Chỉ tính riêng về bức xạ mặt trời, nước ta có đến 2.000 đến 2.500 giờ nắng/năm. Về gió, khu vực miền Trung, hải đảo có tốc độ gió trung bình 4m/s ở độ cao 12m có thể lắp đặt các tuabin gió. Trong khi đó, hơn 300 nguồn nước khoáng nóng ở Tây Bắc và Trung bộ cũng có thể bổ sung vào việc cung cấp nguồn điện…


Một công trình thủy điện nhỏ được xây dựng tại huyện Sa Pa, Lào Cai.     Ảnh: Ngọc Hà

Theo Bộ Công thương, năm 2010, thủy điện nhỏ có suất đầu tư rẻ nhất, với tiềm năng vào khoảng 4.000MW. Tuy nhiên, hiện nay số dự án đăng ký và đưa vào khai thác mới chỉ xấp xỉ 955MW. Đứng thứ hai là Biomas (từ bã mía, trấu), hiện đang khai thác trên 150MW điện sản xuất từ bã mía, chủ yếu cấp nhiệt cho nhu cầu sản xuất đường, như vậy tiềm năng khai thác còn vào khoảng 700-800MW. Tiếp đến là năng lượng gió, Việt Nam có tiềm năng lớn tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Gia Lai. Hiện nay, số dự án đăng ký đầu tư khai thác nguồn năng lượng này đạt xấp xỉ 3.000MW. Nếu so với giá thành của điện gió là 10 cent/kWh thì điện mặt trời là nguồn năng lượng đắt nhất với giá thành dao động khoảng 30-40 cent/kWh. Với trung bình cường độ bức xạ ở miền Trung và Nam bộ đạt từ 4,0-5,9 kWh/m2/ngày, Bắc bộ đạt từ 2,4-5,6 kWh/m2/ngày, năng lượng mặt trời được coi là nguồn năng lượng có cơ hội triển khai ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam khá thành công trong chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi. Nguồn năng lượng này có thể thay thế 245.000 tấn phế thải nông nghiệp dùng trong đun nấu, 326.000 tấn củi, 36.000 tấn than tổ ong, 6.593 tấn dầu hỏa, 39.405 MWh điện và 4.677 tấn khí hóa lỏng.

Có nguồn tài nguyên NLTT khá dồi dào nhưng việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này vẫn ở bước đầu. Các sản phẩm sử dụng NLTT chưa được ứng dụng rộng rãi mà chỉ tập trung tại nông thôn, miền núi, nơi mức sống tương đối thấp. Hiện nước ta có hơn 3.000 hộ dân vùng sâu, vùng xa được điện khí hóa bằng hệ điện mặt trời gia đình, 8.500 hộ sử dụng điện mặt trời qua các trạm sạc ắc quy. Ở Hà Nội, mới chỉ có một số công trình sử dụng pin mặt trời mới như hệ thống pin mặt trời hòa vào mạng điện chung của Trung tâm Hội nghị quốc gia, hai cột đèn năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng gió đầu tiên được lắp đặt tại Ban Quản lý dự án Công nghệ cao Hòa Lạc…

Quá nhiều rào cản

Các chuyên gia nhận định, một trong những rào cản cho phát triển năng lượng hiện nay là thiếu cơ chế hỗ trợ như hỗ trợ giá, lựa chọn và đổi mới công nghệ. Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KHCN) cho rằng, nhìn vào các nước đang phát triển NLTT thành công như Đức, Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… có thể dễ dàng nhận thấy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường ĐH nhằm làm chủ công nghệ có vai trò quan trọng. Đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc đầu tư chiều sâu trong đổi mới công nghệ nhằm khai thác công nghệ phù hợp với yêu cầu thị trường của Việt Nam là vô cùng cần thiết. Cụ thể, đối với từng loại công nghệ khai thác năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt… trước tiên cần bắt đầu từ việc đánh giá tiềm năng, khai thác trữ lượng hợp lý nhằm tối đa hóa hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các dự án hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật, chuyển giao công nghệ và đặc biệt hỗ trợ làm chủ công nghệ trong các dự án hợp tác giữa Việt Nam và các nước hiện đang nắm quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ khai thác NLTT.

Cũng theo bà Ngô Thị Tố Nhiên, song song với các hành động thúc đẩy phát triển KHCN then chốt thì việc phát triển cơ chế, chính sách cụ thể, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ đầu tư là vô cùng quan trọng. Cơ chế hỗ trợ đầu tư có thể là cho vay dài hạn, lãi suất thấp hoặc tạo hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nguồn điện NLTT nối lưới. Các công nghệ khai thác NLTT có khả năng triển khai ở Việt Nam cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ về mặt quyền lợi và nghĩa vụ giữa các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành các sản phẩm khai thác NLTT… Đáng tiếc là những vấn đề này đến nay vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung" giữa doanh nghiệp, nhà quản lý và cơ quan nghiên cứu.

Ngoài ra, giá thành NLTT luôn cao hơn so với năng lượng truyền thống cũng là rào cản. Đặc biệt, với cơ chế trợ giá năng lượng thì hiện tại giá điện và giá than chưa phản ánh hết được giá trị thực tế, dẫn đến tình trạng giá năng lượng chưa sát với giá thị trường. Đây là một nguyên nhân khiến khoảng cách giá giữa NLTT và năng lượng truyền thống càng gia tăng. Mặt khác, Việt Nam chỉ có thể thành công khi có sự đổi mới công nghệ khai thác năng lượng và đổi mới cơ chế quản lý với định hướng cơ chế thị trường khuyến khích các dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Trần Hồng - Ánh Tuyết