Giá điện: “Quốc tế” và thực tế
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:52, 25/11/2011
Họ kiên trì theo đuổi mục tiêu đó bất chấp nó ảnh hưởng thế nào tới lạm phát, tới giá tiêu dùng, đời sống người dân... Họ có "quên" thực tế xã hội của đất nước với những câu hỏi không biết bao giờ được điện lực Việt Nam trả lời thấu đáo:
1. Có bao nhiêu nước trung bình như Việt Nam chịu giá điện “quốc tế” như vậy?
2. “Giá quốc tế” nhưng sản phẩm, dịch vụ cung cấp có bảo đảm chất lượng quốc tế không?
3. “Giá quốc tế” ấy có tính đến mức sống thực tế của dân ta đến đâu?
Chiều 24-11, trả lời chất vấn về giá điện của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, năm 2011 điện lực dự tính lỗ hơn 11.000 tỷ đồng (năm 2010 là 10.162 tỷ), nhưng đến tháng 9, nhờ mưa thuận gió hòa, các nhà máy thủy điện hoạt động tốt nên thực tế chỉ lỗ hơn 600 triệu. Nhưng trong tháng 9, hai nhà máy điện khí (cung cấp gần 30% tổng sản lượng điện) ngừng hoạt động nên điện lực phải mua dầu chạy nhiệt điện, vì thế trong mấy tuần đã lỗ hơn 2.000 tỷ đồng! Tuy vậy, Bộ trưởng khẳng định, cả năm 2011 này điện lực sẽ chỉ lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Bộ trưởng cho biết, không như dư luận lầm tưởng, thất thoát điện không cao và mỗi năm một giảm: Năm 2009 gần 9,7%; 2010 là 9,6% và năm nay chừng 9,5%... Những khoản đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành không phải khoản nào cũng lỗ và sự lỗ lãi đầu tư đó không hề tính vào giá điện.
Tóm lại, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, ngành điện đã, đang và sẽ làm tất cả những gì có thể, cố gắng tới mức cao nhất để cung cấp điện cho nhân dân, còn tăng giá điện là đòi hỏi khách quan, ngành điện và ngay cả Chính phủ, cũng đành lực bất tòng tâm, mong Quốc hội và nhân dân thông cảm.
Nếu tình hình đúng là như vậy; nếu sản xuất điện còn phụ thuộc quá nhiều vào biến đổi khí hậu thì dù muốn hay không, người dân cũng phải thông cảm, tức là lại chấp nhận giá điện "quốc tế" như ngành điện yêu cầu. Nhưng thực tế có đúng vậy không?
Chắc chắn là không. Đã từ lâu cả xã hội đều biết tình trạng quá yếu kém trong quản lý; thiếu trách nhiệm trong ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế; hiện tượng nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ hết năm này qua năm khác; hệ thống cung cấp điện không bảo đảm kỹ thuật, an toàn; mạng lưới đại lý điện tư nhân ở nông thôn hoạt động tùy tiện, khó kiểm soát; thất thoát lớn (liệu có phải chỉ trên 9%?)... là nguyên nhân chính làm ngành điện lỗ triền miên với những con số khổng lồ. Và để bù lỗ, để tránh trách nhiệm, để tăng thu nhập hằng năm... chỉ có một cách, đơn giản và hiệu quả là tăng giá điện.
Hậu quả không chỉ là giá điện cao và thường xuyên tăng. Còn những tai họa khác như cung cấp điện gián đoạn và chất lượng không bảo đảm (điện áp không đủ, thất thường) làm các doanh nghiệp thiệt hại mỗi năm cũng hàng trăm tỷ đồng; những sự cố điện ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là dân ở nông thôn với giá điện do các đầu nậu quyết định. Không chỉ thế, nhiều nhà máy thủy điện dọc miền Trung còn là nỗi kinh hoàng của người dân trong khu vực - mùa khô họ giữ nước mặc đồng khô, lúa chết nắng; mùa mưa họ xả nước theo lũ mặc nhà trôi, vườn ngập trắng...
Những vấn đề lớn, cơ bản như vậy chưa lo giải quyết cho dân nhờ mà chỉ một hai đòi tăng giá thì liệu có thể thông cảm được? Tăng giá không tính đến thực tế nước ta mà chỉ theo "quốc tế" thì liệu có chấp nhận được không?
Dư luận sẽ rất hoan nghênh; tình hình trong ngành điện sẽ cải thiện nếu lãnh đạo ngành có những biện pháp quyết liệt đối với những dự án treo, dây dưa... như ngành giao thông vận tải đang làm.