Vũ khí siêu thanh AHW
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:49, 25/11/2011
Trong cuộc thử nghiệm đầu tiên, hệ thống vũ khí ba tầng AHW từ một địa điểm tại quần đảo Hawaii bay qua bầu khí quyển và bắn trúng mục tiêu đã định tại đảo Marshall cách đó 3.700km sau 30 phút. Như vậy, AHW đã đạt tốc độ 7.400km/h, tương đương với Mach 6. Mach là đơn vị đo tốc độ âm thanh và máy bay siêu thanh Concorde đã nghỉ hưu chỉ đạt vận tốc Mach 2. Quân đội Mỹ cho biết, việc thử nghiệm được thực hiện để thu những dữ liệu liên quan đến công nghệ khí động học, định vị, dẫn đường, kiểm soát và bảo vệ nhiệt để các chuyên gia Bộ Quốc phòng có thể sử dụng cho việc phát triển các thế hệ vũ khí siêu thanh tiếp theo trong tương lai.
Với vận tốc gấp 6 lần tốc độ âm thanh, AHW là một trong những dự án nằm trong chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ với mục tiêu sản xuất những loại vũ khí có thể phóng từ lãnh thổ Mỹ đến mục tiêu khắp hành tinh trong vòng 1 giờ. Kế hoạch sản xuất siêu vũ khí này bắt đầu từ năm 2006 khi một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển khả năng tấn công toàn cầu để ngăn chặn các nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ. Tháng 3-2006, Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) cho rằng tất cả các lực lượng quân sự nước này chưa đủ khả năng để phản ứng tức thì chống lại các mối đe dọa và Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm thực hiện các phân tích về vũ khí tấn công chớp nhoáng toàn cầu trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.
Một trong những lựa chọn cho loại vũ khí tấn công tầm xa thông thường là tận dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra những vật thể siêu thanh có thể bay hàng ngàn dặm trong bầu khí quyển với khoảng thời gian chưa đầy 60 phút. Ủy ban Vũ khí Thượng viện Mỹ lập tức đề xuất tăng thêm 20 triệu USD để hỗ trợ chuyến bay thử đầu tiên của AHW. Cũng với mục tiêu đầy tham vọng này, ngày 11-8 vừa qua, Không quân Mỹ đã thử một loại vũ khí siêu thanh khác mang tên HTV-2 có tốc độ nhanh hơn AHW khi đạt vận tốc 27.000km/h, song nó đã vận hành không tốt và cuộc thử nghiệm không thành công do trục trặc kỹ thuật.
Thế nhưng, nước Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên quan tâm nghiên cứu và phát triển các vũ khí siêu thanh. Trước đây, Liên bang Xô Viết cũ đã từng thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công loại động cơ siêu thanh đạt được tốc độ Mach 5,7. Song, chương trình này đã bị ngừng lại sau sự thay đổi chính trị tại quốc gia rộng lớn nhất thế giới vào năm 1991 và không có loại vũ khí nào sử dụng công nghệ này được sản xuất cho đến thời điểm hiện nay.