Eurozone: “Phao cứu sinh” quá tải
Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 25/11/2011
Nhu cầu vay vốn ECB đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009 trong ngày 22-11 khi có tới 178 ngân hàng trong khu vực yêu cầu khoản tiền lên tới 247 tỷ euro. Tình trạng này xảy ra do thời gian gần đây, nhiều cá nhân và doanh nghiệp tư nhân liên tục rút hàng tỷ euro khỏi các tài khoản tiền gửi tại ngân hàng của những quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong đó có cả Italia và Tây Ban Nha - hai mối lo mới của cuộc khủng hoảng nợ. Theo công bố của Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, tiền gửi của doanh nghiệp và khách hàng lớn giảm tới 2 con số, vào khoảng 48 tỷ euro trong quý III năm nay.
Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ, những nhà cung cấp thanh khoản chủ chốt cho các ngân hàng châu Âu đã rút khỏi Eurozone từ tháng 5, giảm tiếp xúc với thị trường này khoảng hơn 9% trong tháng 10. Mức độ rót vốn của các nhà đầu tư lớn của Mỹ vào châu Âu giảm tới hơn 40% trong vài tháng gần đây. Giới chủ ngân hàng cho rằng tình hình thị trường vốn khó có thể khởi sắc trở lại với các ngân hàng thuộc Eurozone trong năm nay.
Hiện tại, ngân hàng nhiều nước đang nỗ lực tung ra đủ "chiêu" nhằm cố gắng giữ chân khách hàng hiện tại, thu hút thêm khách hàng mới. Tại Italia, lãi suất tiền gửi trung bình đã tăng không ngừng trong năm qua. Đến tháng 9-2011, lãi suất đã lên mức 2,6%, gần gấp đôi con số ở thời điểm đầu năm 2011. Còn tại Bồ Đào Nha, các ngân hàng tỏ ra rất sáng tạo trong các biện pháp marketing để thu hút khách gửi tiền. Một ngân hàng lớn gần đây còn thuê cả tiền đạo bóng đã nổi tiếng Cristiano Ronaldo làm đại diện nhằm khuếch trương chiến dịch tiếp thị. Tuy nhiên, hiệu quả thu lại dường như không đáng kể.
Trong khi đó, ngày 21-11, các nhà phân tích kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công đã tiến gần hơn tới trung tâm châu Âu. Nhận định trên được đưa ra khi một số cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng tín dụng của một số nền kinh tế đầu tàu trong Eurozone, trong đó có Pháp. Theo Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's, thị trường trái phiếu ngày càng bất ổn ở Pháp có thể khiến mức xếp hạng tín nhiệm "AAA" hiện thời mà chính phủ nước này đang nỗ lực duy trì, bị hạ xuống mức thấp hơn. Nếu điều này xảy ra, làn sóng rút vốn sẽ không "tha" quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone này.
Mới đây, các nhà phân tích tại Exclusive Analysis (EA) - tổ chức chuyên nghiên cứu về các rủi ro toàn cầu tỏ ra lo ngại về khả năng châu Âu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng khi Mỹ và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi từ chối cho ECB vay vốn thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Mối lo này hoàn toàn có cơ sở khi lục địa già vẫn chưa thể tìm ra phương cách hữu hiệu nhằm đẩy lùi đại dịch nợ công hoành hành khắp khu vực trong suốt hai năm qua.