Chiến tranh lạnh vẫn ám ảnh

Thế giới - Ngày đăng : 06:02, 25/11/2011

(HNM) - Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đặt bút ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới tại thủ đô của Czech hồi tháng 4 năm ngoái, thế giới đã từng hy vọng quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã vượt qua được "bóng ma quá khứ" để bước sang một trang sử mới, tạo thế đứng vững chắc cho hòn đá tảng của an ninh thế giới.

Thế nhưng, thực tế đã không diễn ra như vậy. Đổ vỡ trong quá trình đàm phán về Hệ thống phòng thủ chống tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ ở châu Âu những ngày gần đây đang có nguy cơ đẩy quan hệ Nga - Mỹ trở lại vạch xuất phát.

Nga dự định triển khai hệ thống tên lửa Iskader tại Kaliningrod - vùng đất ngay sát Ba Lan như một biện pháp đáp trả NMD của Mỹ.

Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mátxcơva và Washington thể hiện rõ qua tuyên bố đanh thép của Tổng thống Nga D.Medvedev tối 23-11, lần đầu tiên ông chủ Điện Kremlin không ngần ngại công khai những biện pháp quân sự Nga sẽ áp dụng trong trường hợp "Chú Sam" và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai NMD mà không tính đến lập trường và lợi ích của xứ Bạch dương, kể cả việc rút khỏi START mới. Đáp lại, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tommy Vietor cũng khẳng định, Washington sẽ không "hạn chế hay thay đổi" các kế hoạch dưới bất cứ điều kiện nào.

Trên thực tế, căng thẳng Mátxcơva - Washington lần này không phải là điều quá bất ngờ bởi NMD vốn là một trong những vấn đề nổi cộm giữa hai cường quốc hạt nhân trong suốt hơn một thập kỷ qua. Nó cho thấy, khối ngờ vực dai dẳng tồn tại giữa hai bên suốt từ thời kỳ Chiến tranh lạnh vẫn chưa hề triệt tiêu. Kế hoạch cài đặt lại quan hệ giữa hai siêu cường từng được đề cập xem ra chỉ là nước hoãn binh. Đúng hơn, Washington đã muốn có cơ hội để giải quyết các điểm nóng khác - chủ yếu là Afghanistan và Iraq - thông qua sự trợ giúp của Nga. Trong khi đó, Nga cũng muốn có thời gian củng cố lại không gian "hậu Xô Viết" vốn có nhiều xáo trộn kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Hiện tại, dự định của Mỹ là rút hết quân tại Iraq trong năm nay và giảm dần các cam kết tại Afghanistan. Vì vậy đến năm 2015, Mỹ sẽ rảnh rang hơn để chú tâm đến những điểm nóng mới. Đây cũng là giai đoạn NMD có thể đi vào hoạt động. Nhà Trắng cũng không thể làm ngơ trước chiến lược lập lại quỹ đạo ảnh hưởng mà Mátxcơva tích cực củng cố thông qua một loạt liên minh như Liên minh Thuế quan, Liên minh Nhà nước và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Mới đây, Thủ tướng Nga Vladimir Putin còn tuyên bố ý định xây dựng một Liên minh Á - Âu hùng mạnh bao trùm cả Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) vào năm 2015.

Là một cường quốc có tham vọng toàn cầu, Mỹ luôn hướng đến một tập hợp sức mạnh nhằm hình thành cho được thế phòng thủ vượt trội, cho phép đẩy mạnh an ninh từ bên ngoài lãnh thổ ở tất cả các khu vực trên thế giới. Vì thế, chưa bao giờ Washington từ bỏ chiến lược phòng vệ được hình thành từ các nhiệm kỳ tổng thống trước đó. Nếu như trước đây, dự án của cựu Tổng thống Mỹ G.Bush chỉ nhằm bảo vệ một nước Mỹ đơn lẻ khỏi các cuộc tấn công xuyên lục địa mà bỏ qua một phần lớn của châu Âu thì NMD được xây dựng dưới thời Tổng thống B.Obama được đánh giá là một thay đổi lớn với "thiết kế" mang tính toàn diện hơn. Nó sẽ trải rộng từ đại dương tới đất liền, hình thành "chiếc ô" khó xuyên thủng nhằm bảo vệ châu Âu và Mỹ trước tầm bắn của các tên lửa tầm ngắn, trung và tầm xa.

Phản ứng cứng rắn của Điện Kremlin lần này là hoàn toàn có cơ sở vì sự hiện diện của Mỹ tại hai căn cứ quân sự của Romania bên bờ Biển Đen cho thấy Nhà Trắng dường như đang theo đuổi chiến lược vây bủa và cô lập Nga trong lĩnh vực phòng thủ. Hiểu theo một cách khác thì bước đi của Mỹ có thể khiến bàn cờ địa chính trị tại khu vực này đứng trước những thay đổi lớn. Thứ nhất, "cái bắt tay" với Bucharest có thể giúp Mỹ mở tuyến vận tải mới từ Afghanistan qua Georgia, Azerbaijan và Turkmenistan. Đây được xem là "Con đường tơ lụa" mới qua Trung Á, giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào đường vận tải hiện tại vốn phải qua lãnh thổ Nga. Điều này dự báo vai trò của Nga trong khu vực sẽ sụt giảm. Thứ hai, sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đen sẽ tạo ra một cơ chế giám sát đáng dè chừng với Hạm đội Biển Đen - một quân át chủ bài trong chiến lược phòng thủ - của Nga đang đóng ở cảng Sevastopol.

Căng thẳng Nga - Mỹ và động thái tăng cường khả năng chiến đấu ngay tại biên giới của các nước Liên Xô cũ đang có nguy cơ hình thành bối cảnh cho cuộc Chiến tranh lạnh phiên bản mới, đẩy an ninh khu vực và thế giới đứng trước những viễn cảnh khó đoán định.

Lâm Phương