Giá điện sẽ tăng ở mức kiềm chế
Chính trị - Ngày đăng : 17:01, 24/11/2011
Những vấn đề chính sách tài chính để giảm lạm phát, quản lý giá trong điều kiện vận hành nền kinh tế thị trường, nợ công là những chủ đề nổi bật trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Năm tới: Giá điện sẽ tăng ở mức kiềm chế
Phiên chất vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ “nóng” ngay từ đầu với rất nhiều chất vấn xoay quanh việc điều hành giá điện và giá xăng, dầu. Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam thậm chí còn ví von giá xăng, dầu, điện năm qua “nhảy múa đau cả đầu, hoa cả mắt”.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định lại quan điểm nhất quán của Nhà nước là điều hành giá các mặt hàng này theo nguyên tắc giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có mức lãi phù hợp, không cho phép bao cấp tràn lan hoặc bù chéo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, hiện giá xăng, dầu cơ bản đã thực hiện theo giá thị trường, nhưng về giá điện, hiện ta vẫn còn bao cấp giá điện cho sản xuất thép và xi măng. Năm 2010, điện thương phẩm tiêu thụ cho thép và xi măng chiếm hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm nhưng chỉ được bán với mức giá 914 đồng. Như vậy, Nhà nước đã bao cấp chéo hơn 22.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này có cả DN nước ngoài, họ nhập phôi thép vào Việt Nam, lợi dụng giá điện rẻ để sản xuất rồi lại xuất ra nước ngoài bán.
Liên quan đến lỗ của ngành điện, Bộ trưởng cho biết, theo số lượng đã được kiểm toán, năm 2010 EVN lỗ hơn 8000 tỷ đồng, tính cả chênh giá là hơn 23.000 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ là do EVN phải thực hiện mua điện giá cao của các doanh nghiệp bên ngoài, còn đầu tư ngoài ngành của EVN dù lỗ hay lãi đều không được tính vào lỗ bán điện.
Bộ trưởng cho biết, năm nay, EVN đã đỡ lỗ nhiều, kế hoạch là lỗ trên 11.000 tỷ đồng, nhưng hết 9 tháng, lỗ thực mới là 680 tỷ đồng, cộng với khoản lỗ hơn 2.600 tỷ đồng do phải dùng dầu để chạy các nhà máy điện bù vào lượng khí bị cắt trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, dự kiến lỗ cuối năm của EVN khoảng 3.500 tỷ đồng, chưa tính chênh lệch giá.
Với những khoản lỗ lũy kế theo các năm, giá điện sẽ buộc phải điều chỉnh dần giá theo thị trường để đảm bảo bù đắp chi phí cho sản xuất. Dự kiến trong năm 2012, Nhà nước chỉ phân bổ ¼ khoản lỗ của năm 2010 và 1/3 khoản lỗ từ chênh lệch giá vào giá điện. Do đó, năm 2012 nếu tăng giá điện, sẽ tăng ở mức kiềm chế. Theo tính toán, giá thành điện năm tới sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 4,6% so với hiện nay.
“Năm 2012 nếu tăng giá điện thì toàn bộ điện bán cho hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp vẫn giữ nguyên và mức tăng giá điện của hộ tiêu thụ thấp vẫn đảm bảo sẽ thấp hơn mức tăng bình quân chung”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu EVN giảm được hao phí điện năng, thoái vốn ngoài lĩnh vực chính để tập trung vốn đầu tư cho công nghệ, quản lý… và tích cực giảm chi thường xuyên thì sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất điện.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ - Ảnh: VnExpress
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương – Ninh Thuận về có hay không việc ép một số DN sản xuất điện ngoài EVN phải bán giá thấp cho EVN, cả Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương đều khẳng định là có.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, những DN này chủ yếu làm thủy điện quy mô nhỏ và đều ký hợp đồng với EVN theo nguyên tắc thị trường, các hợp đồng có thời hạn 40 năm, giá mua không được điều chỉnh trong suốt thời hạn hợp đồng.
“Trước đây hai bên vẫn vui vẻ với nhau nhưng đến giờ, có vấn đề chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao nên giá EVN mua có thể không đủ chi phí bù đắp cho DN. Chính phủ đã nhất trí sẽ từng bước điều chỉnh giá mua điện cho các DN nhưng các bên cũng cần phải thương thảo với nhau, quan trọng là dùng nguồn nào để giảm bớt khó khăn cho các DN bởi hoạt động của các DN này cũng rất quan trọng, nếu ngừng cũng ảnh hưởng đến kinh tế quốc dân”, Bộ trưởng nói.
Chuyển sang câu chuyện về giá xăng, dầu, Bộ trưởng Huệ cho biết, trong năm qua, giá thế giới “nhảy múa” thật nhưng trong nước chỉ điều chỉnh giá có 4 lần, trong đó có 2 lần điều chỉnh tăng, 2 lần điều chỉnh giảm.
“Giá xăng, dầu đang bán là giá xăng dầu thành phẩm, không phải giá dầu thô. Hai giá này vận động có thể không phù hợp với nhau nên nhiều khi bà con thấy giá dầu thô lên xuống mà không thấy điều chỉnh lại cho rằng không sát thị trường”, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng lưu ý, mặc dù xăng, dầu trong nước sản xuất đáp ứng được 30% nhu cầu nhưng thực ra vẫn phải tính 100% theo giá quốc tế, bởi xăng dầu sản xuất trong nước cũng được bán ra theo giá thị trường.
Về chuyện lỗ, lãi trong kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, nếu năm 2011 không có biến động về tỷ giá và các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu thực hiện đúng định mức về bán hàng thì vẫn có thể lãi, không có chuyện lỗ. Tuy nhiên, Bộ trưởng sẽ có báo cáo đầy đủ khi có kết quả thanh, kiểm tra tổng thể hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu.
Chốt lại câu chuyện về giá, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp đột phá trong điều hành giá thời gian tới.
Chất vấn này được Bộ trưởng Huệ cho là một câu hỏi khó. Theo Bộ trưởng, giải pháp của mọi giải pháp là minh bạch và công khai.
“Nhà nước minh bạch chính sách, cán bộ các cấp thực thi công vụ minh bạch về trách nhiệm, DN phải minh bạch về số liệu và công khai theo quy định pháp luật. Nếu không đảm bảo minh bạch công khai thì điều hành giá cũng khó thành công và tái cấu trúc cũng khó giành thắng lợi sớm”, Bộ trưởng nói.
Phó Thủ tướng hoàng Trung Hải cũng làm rõ thêm câu chuyện độc quyền và lộ trình điều hành giá theo thị trường. Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt lộ trình này, vấn đề chỉ còn là tốc độ đi như thế nào.
“Lộ trình tiếp cận giá thị trường phải xem xét ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chịu đựng của thị trường, nền kinh tế. Nếu không tiến đến việc đưa giá dịch vụ tiếp cận giá thị trường thì không thể xóa được độc quyền. Nếu giữ cơ chế giá bao cấp thì không thể đủ hàng và dẫn đến cơ chế xin-cho, tiêu cực”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt hình thành thị trường cạnh tranh về xăng dầu và điện. Tuy nhiên, cũng cần có thời gian, không thể làm ngay khi chênh lệch về giá vẫn còn rất lớn.
Lương của EVN: Nên xem có đúng chế độ, chính sách không
Câu chuyện về mức lương 7,3 triệu đồng của cán bộ EVN mà lãnh đạo EVN cho là thấp cũng đã làm nóng nghị trường với nhiều ý kiến và câu hỏi chất vấn. Điều mà các đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam, Lê Thị Nga – Thái Nguyên đặt ra là trong bối cảnh cả nước đang khó khăn, việc EVN kêu mức lương như vậy vẫn thấp liệu có hợp lý, liệu có phải độc quyền nhà nước đã thành độc quyền DN nên EVN bắt người tiêu dùng chịu cả những khoản lỗ do thất thoát, chi thưởng…?
“Kinh doanh mà lãi, lương cao tôi ủng hộ. Nhưng vấn đề ở chỗ kinh doanh lỗ mà lương cao. Hiệu quả kinh doanh phải được lấy làm đầu”, đại biểu Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ với nhận xét của hai đại biểu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, mức lương quan trọng nhất là phải phù hợp với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Bộ trưởng cũng ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH rằng có khi phải xem xét, rà soát lại mức lương cán bộ, nhân viên của EVN.
“Lương cao hay thấp không quan trọng, nhưng phải xem có đúng với chế độ chính sách hay không”, Bộ trưởng nói.
Giải thích thêm về chế độ tiền lương của nhân viên EVN, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, EVN là DN nhà nước nên đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương đều do Bộ LĐTB&XH quyết định, chứ EVN không tự quyết được.
Theo Bộ trưởng, căn cứ nói lương thấp, lương cao cần so sánh dựa trên 3 yếu tố: mức thu nhập bình quân của người lao động cả nước; mức thu nhập trong cùng loại hình SXKD; mức thu nhập trong cùng khu vực DN. Bộ trưởng cho rằng, lãnh đạo EVN khi công bố những con số cần phải công bố chi tiết, bởi trong mức lương đó, phụ cấp đặc thù của ngành đã chiếm tới 25%.