Người lao động chịu thiệt
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 24/11/2011
Theo quy định, trong vòng 7 ngày kể từ ngày mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ phải đăng ký thất nghiệp và 15 ngày sau đó NLĐ phải nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Như vậy, chỉ trong 22 ngày, NLĐ phải hoàn tất hồ sơ, nếu không sẽ bị từ chối hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Theo phản ánh của ông Hoàng Sinh Hùng - cán bộ Công ty Machino và nhiều cán bộ nhân sự của các DN tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) thì nhiều NLĐ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, nhưng khi bị mất việc làm, lại bị từ chối hưởng quyền lợi BHTN. Bởi theo Luật BHXH, trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, cơ quan BHXH chốt sổ BHXH cho NLĐ. Trong khi đó, quy định hướng dẫn đăng ký hưởng BHTN lại quy định 15 ngày kể từ khi đăng ký NLĐ phải nộp sổ BHXH có xác nhận thời gian tham gia BHTN mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thế nên, nhiều trường hợp NLĐ chưa kịp nhận sổ BHXH thì đã hết thời gian nộp sổ để đăng ký BHTN nên đành bỏ. Theo ông Hà Việt Phương - Chủ tịch Công đoàn Công ty Canon Việt Nam, để chốt được sổ BHXH cho NLĐ phải mất tới một năm. Chính vì thế, từ tháng 10-2010 đến nay, ở công ty vẫn còn tồn 2.000 trường hợp NLĐ chưa được giải quyết chốt sổ BHXH.
Ngoài ra, quy định không được ủy quyền cho người khác khai báo tình hình việc làm hằng tháng mà tự mình trực tiếp đăng ký cũng gây nhiều khó khăn, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc cho NLĐ đang bị thất nghiệp.
Cũng liên quan đến việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp và chế độ trợ cấp thôi việc cho NLĐ sau khi nghỉ việc, bà Hà Thu Thủy - Kế toán trưởng một công ty CP Kiến trúc (quận Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: vừa qua ở công ty có trường hợp NLĐ xin nghỉ việc sau 10 năm công tác nhưng khi tiến hành các thủ tục thanh toán chế độ cho NLĐ thì công ty rất lúng túng khi tính chế độ cho NLĐ kể từ thời điểm 1-1-2009 đến nay. Bởi, theo quy định thì từ khi Luật BHTN có hiệu lực thì NLĐ sẽ không được hưởng tiền trợ cấp thôi việc do DN chi trả là mỗi năm công tác được ½ tháng lương. Như thế, đương nhiên, NLĐ của công ty chỉ được hưởng trợ cấp ½ tháng lương cho mỗi năm công tác tính từ khi công tác đến năm 2008 thôi, còn từ năm 2009 là hưởng chế độ của BHTN do quỹ BHTN chi trả nếu mất việc làm. Nhưng ở trường hợp này, NLĐ không thể được hưởng BHTN vì họ không bị mất việc làm mà là xin nghỉ chuyển tìm việc khác. Do đó, nếu chiểu theo hướng dẫn của BHTN thì NLĐ bị thiệt thòi, còn chủ sử dụng lao động chỉ chấp nhận chi trả khoản trợ cấp cho NLĐ từ tháng 1-2009 đến nay.
Những "khoảng trống" trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã làm NLĐ chịu thêm phần thiệt thòi trong những quyền lợi vốn đã ít ỏi của mình.