Tận tụy vì trẻ thiệt thòi
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:05, 24/11/2011
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, Nguyễn Thị Hà trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh THCS. Ngoài giờ đi dạy học, cô nhận làm phiên dịch, hỗ trợ chuyên gia nước ngoài làm việc với trẻ khuyết tật trí tuệ. Dần dần, tình thương và sự cảm thông với lũ trẻ không may mắn nảy nở. Cô nghĩ rằng: Việc chia sẻ, giúp đỡ trẻ khuyết tật và bố mẹ chúng là trách nhiệm công dân, là tình người. Với trình độ tiếng Anh khá, ngoại hình xinh xắn, trong khi nhu cầu về nhân lực tiếng Anh cao, Hà thừa khả năng tìm được việc làm như ý, nhàn hạ, lương cao. Nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hà quyết định gắn bó cuộc đời với những đứa trẻ bị khiếm khuyết. Công việc khó khăn, mức thu nhập ở trung tâm thấp (tổng cộng 3,5 triệu đồng/tháng) cũng không làm Hà nản lòng.
"Vạn sự khởi đầu nan", khó khăn liên tiếp đến với cô giáo trẻ. Mỗi đứa trẻ một cá tính, đặc điểm khác nhau, nhưng chúng có điểm chung là rất ngây thơ, yếu ớt. Chỉ riêng bài học mỗi sáng đến lớp khoanh tay, chào cô, xưng tên mình, cô giáo Hà phải mất hằng tháng trời rèn cặp đám trẻ. Ngay cả cách xúc cơm, mặc áo, đi giày dép, cô cũng phải cầm tay hướng dẫn, dạy đi dạy lại, một vài tháng đến một vài năm chúng mới tự làm được. Dạy mãi mà chúng chẳng tiếp thu, nhiều lúc Hà cảm thấy bất lực, chán nản; rồi cũng thấy chạnh lòng khi thấy bạn cùng khóa tung tẩy với váy áo xênh xang, xe máy đời mới. Nhưng những ánh mắt ngây thơ, sự tin cậy của lũ trẻ và cha mẹ chúng lại khiến cô gắn bó nhiều hơn với công việc.
Vừa làm vừa học thêm các khóa ngắn ngày về giáo dục đặc biệt ở Đại học Sư phạm Hà Nội, cô nhanh chóng trở thành nhân lực "cứng" về chăm sóc và can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật trí tuệ của Trung tâm Phúc Tuệ. Cô giáo Hà thuộc hoàn cảnh, tính cách, khả năng của từng em, có cách dạy dỗ, thưởng phạt khác nhau, tạo cảm hứng cho chúng học tập. Tình yêu của cô đã khích lệ chúng cố gắng từng ngày. Mỗi tiến bộ dù là rất nhỏ của trẻ cũng là niềm vui lớn. Cô làm hết sức mình bởi mỗi khi chia sẻ niềm vui: "bé Trí biết khoanh tay chào cô", "bé Đức đã nhớ tên bạn" đều khiến cô và cha mẹ chúng trào nước mắt vui mừng.
Nhờ sự tận tụy của cô, đến nay, các cháu đã có nhiều tiến bộ. Nhiều cháu đã biết tự phục vụ bản thân, hơn 10 trẻ được chuyển vào học hòa nhập. Nhưng hơn hết, những đứa trẻ tự kỷ cảm nhận được rằng: chúng luôn được sống trong sự yêu thương, chở che của người mẹ - cô giáo Nguyễn Thị Hà.