Mua nhà Keangnam, sống trong sợ hãi!
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:00, 24/11/2011
Nhiều người dân bức xúc phản đối lực lượng bảo vệ và quản lý tòa nhà Keangnam. |
Mất tiền thuê bảo vệ vẫn bị hành hung
Sự việc xảy ra khoảng 21h ngày 18-11 tại khu vực sân chơi chung (thuộc tầng 5 tòa nhà A) của những hộ dân sống trong tòa nhà Keangnam khi một cư dân phản đối việc dựng sân khấu làm lễ khai trương nhà mẫu Golden Palace. Lời qua tiếng lại, sự việc tưởng rằng chỉ dừng lại ở đó. Nhưng không ngờ, sau đó ít phút, một nhóm đối tượng lạ mặt xuất hiện hành hung cư dân này một cách dã man. Thấy vậy, một số người dân sống tại tòa nhà Keangnam đã xông vào can ngăn. Thế nhưng, không những không ngăn được trận đòn thù, nhiều cư dân còn bị dọa đánh. Sau khi nhóm côn đồ bỏ đi, những người dân mới dám đưa hàng xóm của mình đi Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu. Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ, nạn nhân bị vỡ xương bánh chè chân phải.
Kể lại sự việc, nhiều cư dân chứng kiến tỏ ra vô cùng bức xúc: Ngay lúc đó, một số người đã nhấn chuông báo động nhưng không hề thấy nhân viên bảo vệ xuất hiện. Phải đến hơn 30 phút sau khi bảo vệ xuất hiện thì người bị hại đã được đưa đi bệnh viện, nhóm côn đồ trên đã cao chạy xa bay. Bức xúc hơn, trong nhóm côn đồ trên, có kẻ còn đeo đầy đủ thẻ ra vào như những cư dân sống trong tòa nhà! Cực chẳng đã, sáng 19-11, hàng trăm hộ cư trú tại đây đã tập trung phía chân tòa nhà Keangnam để phản đối thái độ vô trách nhiệm, cũng như sự áp đặt của chủ đầu tư tòa nhà Keangnam. Họ đã giăng nhiều khẩu hiệu như: "Phản đối Keangnam để côn đồ đánh trọng thương cư dân tại sân chơi tầng 5", "Phản đối bảo vệ Keangnam không bảo vệ được cư dân", "Phản đối Keangnam sử dụng sân chơi trẻ em làm kinh doanh", "Chúng tôi phản đối mọi hình thức áp đặt"…
Một thành viên trong Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam cho biết, những khẩu hiệu chúng tôi đưa ra đều thể hiện sự bức xúc của người dân đối với lực lượng bảo vệ và quản lý tòa nhà Keangnam. Họ đã không làm đúng phận sự của mình theo đúng cam kết, trong khi đó chúng tôi đã phải đóng phí quản lý, dịch vụ rất cao, trong đó có cả phí bảo vệ. "Chúng tôi không thể chấp nhận được khi cư dân bị tấn công ngay trong tòa nhà của mình. Tại nơi được cho là có hệ thống bảo vệ an toàn rất cao mà côn đồ lại có thể ra vào dễ dàng, hành hung cư dân gây thương tích như vậy mà bảo vệ vẫn làm ngơ" - một cư dân tòa nhà bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư BQH và cộng sự cho rằng, trong sự việc này có nhiều vấn đề. Trước hết, theo quy định, khi chủ đầu tư đã bán từng phần riêng cho mỗi hộ, thì phần còn lại phải thuộc quyền quản lý, sử dụng chung của tất cả các hộ trong tòa nhà. Một vấn đề khác, theo cam kết, trong vòng 12 tháng, chủ đầu tư phải thành lập ban quản trị tòa nhà, để quản lý, điều hành mọi hoạt động của tòa nhà. Trong trường hợp chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn căn hộ vẫn phải có ban quản trị trong đó có sự tham gia của chính những hộ dân sinh sống trong tòa nhà.
Riêng với trường hợp đáng tiếc xảy ra ngày 18-11, luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng: Những tưởng phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ sẽ cao nhưng không thể tưởng tượng được lại xảy ra sự việc trên. Trớ trêu hơn đó là, khi những cư dân ở đây hằng tháng phải đóng phí an ninh để bảo vệ mình thì những nhân viên an ninh lại tỏ ra thờ ơ khi côn đồ hành hung những người trực tiếp trả lương cho mình. Như vậy, chỉ có thể nghĩ chính những nhân viên bảo vệ tòa nhà (hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp) tham gia đánh người dân trong tòa nhà.
Công an sẽ xử lý tới cùng vụ việc
Để tìm hiểu rõ sự việc và có thông tin hai chiều, chúng tôi đã cùng nhóm phóng viên Truyền hình An ninh (Bộ CA) đến đặt vấn đề làm việc với Ban quản lý tòa nhà. Khi chúng tôi đang liên hệ công tác với nhân viên lễ tân thì một người tự xưng là đội trưởng đội bảo vệ (không đeo thẻ) xuất hiện. Anh này cho rằng, nhà báo muốn đến trao đổi, phải ghi rõ nội dung từng việc một và phải… chờ lãnh đạo của Keangnam xếp lịch. Thậm chí, trong quá trình chúng tôi tác nghiệp, khai thác thông tin từ những cư dân ở đây, đều được đích thân vị "đội trưởng" này giám sát chặt chẽ.
Sau khi sự việc xô xát dẫn đến một cư dân trong tòa nhà bị thương, đại diện công ty tổ chức sự kiện tại tầng 5 tòa nhà đã có thư xin lỗi những hộ dân ở đây vì đã không xin phép họ. Tuy nhiên, đó không phải vấn đề mấu chốt. Vấn đề chính là Ban quản lý tòa nhà và chủ đầu tư Keangnam không hề có thỏa thuận với những hộ dân ở đây. Điều này thể hiện việc chủ đầu tư đã coi thường và áp đặt nhiều thứ đối với họ. Mặc dù trước đó, cư dân tại đây đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí là nhờ cả luật sư để khiếu nại, khiếu kiện về chất lượng và giá cả nhiều dịch vụ phi lý của tòa nhà. Theo những kiến nghị trước đây, người dân cho rằng có 4 bức xúc Keangnam cần phải điều chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có hộ dân nào nhận được phản hồi. Đó là, phí trông giữ phương tiện; phí quản lý tòa nhà bị Keangnam áp đặt thu quá cao và được niêm yết bằng ngoại tệ. Mặt khác, việc thu phí quản lý trước khi bàn giao đầy đủ căn hộ đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng; niêm yết giá bán căn hộ bằng ngoại tệ… Những hộ dân ở đây cho biết: Keangnam yêu cầu các hộ dân nộp trước 3 tháng phí quản lý nhà với mức 0,99USD/mét vuông (tương đương 21.000 đồng) và phải nộp trước 3 tháng và quan trọng hơn là những hộ dân ở đây không được giám sát việc chi dùng khoản phí này. Theo hợp đồng, những căn hộ này được bàn giao cho các hộ sử dụng từ quý II năm 2011, phí quản lý cũng đã được nộp trước nhưng đến nay nhiều khu vực tiện ích chung còn chưa được đưa vào sử dụng và bàn giao. Nhiều khu vực phục vụ nhu cầu thiết yếu cho các hộ dân ở đây cũng chưa thể hoạt động, gây khó khăn trong sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, theo quan điểm của các hộ dân, Keangnam đã vi phạm hợp đồng giao bán nhà cho họ: "Chúng tôi hoàn toàn thất vọng về tình trạng quản lý và chất lượng dịch vụ chung cư của Keangnam hiện nay" - một cư dân bức xúc.
Những lá đơn kiến nghị đã nhiều lần được gửi tới lãnh đạo Keangnam, thế nhưng họ vẫn làm ngơ, còn tận thu mặc cho cư dân ở đây bức xúc. Và sự việc đáng tiếc ngày 18-11 đã như đổ thêm dầu vào lửa khi những bức xúc cũ chưa được phía Keangnam giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong ban đại diện lâm thời tỏ ra lo lắng. Hiện tại, hầu hết người dân sinh sống tại tòa nhà đều mang tâm trạng hoang mang khi tính mạng và tài sản của họ và gia đình không được bảo vệ. Thậm chí, trong việc trao đổi, cung cấp thông tin với báo chí, các thành viên trong ban đại diện lâm thời cũng tỏ ra rất dè dặt và muốn "né" cung cấp thông tin.
Rõ ràng, tình hình an ninh ở tòa nhà "hiện đại nhất Việt Nam" không đúng như lời quảng cáo của phía Keangnam đang khiến những hộ dân ở đây phải thấp thỏm lo sợ. Phải chăng, họ đang thấp thỏm vì sức ép ngay trong chính tòa nhà này với những chiêu thức nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bởi trước đó, thời điểm xảy cháy tại tòa nhà này hồi tháng 3-2010, chính lực lượng cảnh sát PCCC cũng không thể tiếp cận đám cháy phía trên tòa nhà để dập lửa vì bị lực lượng bảo vệ của tòa nhà ngăn cản. Riêng với vụ côn đồ hành hung cư dân trong tòa nhà, lãnh đạo CA thành phố Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, làm rõ. Thượng tá Phạm Ngọc Kim, Phó trưởng CA huyện Từ Liêm cũng khẳng định, từ lúc khởi công đến nay, tòa nhà này đã xảy ra rất nhiều sự cố như tai nạn lao động chết người, cháy nổ… CA Từ Liêm sẽ xử lý tới cùng vụ việc.
Những thấp thỏm, lo lắng của những hộ dân là hoàn toàn có cơ sở. Không chỉ lo lắng vì hệ thống camera giám sát đặt ở khắp nơi vẫn không nhận diện được những kẻ côn đồ, mà họ còn thấp thỏm về hàng loạt vấn đề liên quan đến sự an toàn. Bởi điểm lại, nhiều cư dân cho rằng, đã có những thời điểm thang máy không có điều hòa, nhiều bóng điện chiếu sáng công cộng không hiểu vô tình hay cố ý cũng bị tháo bớt. Thậm chí, nhiều trang thiết bị trong từng căn hộ thuộc trách nhiệm lắp đặt của nhà đầu tư cũng được làm qua quýt, không bảo đảm chất lượng. Rồi nữa, chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp những sự cố xảy ra tại tòa nhà này như hỏa hoạn, vỡ đường ống nước, thang máy không hoạt động… mà mới nhất là vụ cháy tại đây xảy ra ngày 27-8. Vì vậy, hiện nay nhiều người vẫn chưa thể chuyển về ở tại Keangnam. Họ cho rằng, với những gì đang xảy ra tại Keangnam, nếu chuyển về để hằng ngày đi đấu tranh đòi quyền lợi thì còn gì là cuộc sống tại một tòa nhà được coi là có chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam nữa.