Nhất... “ông”!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:58, 23/11/2011
1. Đã mấy ngày trôi qua kể từ khi ông Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh công bố lương bình quân năm 2009 của nhân viên ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng, mà dư luận xã hội vẫn chưa hết bức xúc. Nguyên nhân là do ông Thanh cho rằng: "Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được". Không hiểu với vị lãnh đạo này thì mức lương "có thể sống được ở thành thị" là bao nhiêu khi so với hầu hết các ngành nghề trong xã hội, mức lương đó là rất cao. Cũng cần lưu ý rằng, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một quyết định vừa được các đại biểu thông qua là từ ngày 1-5-2012, mức lương tối thiểu được điều chỉnh lên 1,05 triệu đồng một tháng. Như vậy, nếu so sánh với mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh nâng lên trong nửa năm tới thì trước đó 2 năm, lương bình quân của nhân viên ngành điện đã gấp gần 7 lần.
Người trong ngành điện lại càng mát ruột hơn khi thấy "sếp" của mình phát biểu rằng "rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó". Còn người ngoài ngành thì không khỏi chạnh lòng. Không biết có phải do những công bố ấy mà ngày 21-11 vừa qua, 129 nhân viên kiểm lâm đang làm việc tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã đồng loạt nghỉ việc vì mức lương họ đang được nhận có 700.000 đồng/tháng? Còn hàng vạn giáo viên các bậc học không khỏi bùi ngùi khi so sánh với lương nhân viên kéo dây ngành điện trước ngày Nhà giáo.
Thực chất nếu DN làm ăn có lãi thì lương của nhân viên có cao tới mức nào cũng không có vấn đề gì, nhưng...
2. Theo công bố của Bộ Công thương, năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ 10.162 tỷ đồng. Và đây mới là số lỗ của riêng mảng kinh doanh điện, chưa kể đến các khoản lỗ khác. Tất nhiên, cơ quan chủ quản và DN viện dẫn nhiều lý do khách quan. Tuy vậy, một lý do chủ quan đóng vai trò quan trọng dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ, đó là việc quản lý yếu kém thì chưa thấy đề cập tới.
Hơn chục nghìn tỷ đồng là con số không nhỏ. Nhưng đó mới là số lỗ của năm 2010, vậy còn năm 2011, con số ấy sẽ là bao nhiêu? Chắc chắn với nhiều DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh khác, làm ăn như thế thì phá sản, giải thể từ lâu rồi. Còn ngành điện sẽ giải quyết khoản lỗ này như thế nào? Rất đơn giản: Đề xuất xin Chính phủ cho tăng giá điện? Có vị lãnh đạo ngành này đã dọa: "Nếu không giải quyết khoản lỗ đó bằng tăng giá bán thì ngành điện sẽ phá sản". Làm ăn kiểu này, nhiều DN nghe vậy lắc đầu.... nhất "ông". Đúng là thời buổi kinh tế thị trường, mấy DN có được vị thế như... "ông" điện, "lời ăn, lỗ không chịu", nếu có chuyện xảy ra thì khách hàng - "thượng đế" gánh chịu. Vậy thì ai chẳng kinh doanh được, ai chẳng quản lý được, còn nhân viên thì cứ đều đặn lĩnh lương cao ngất ngưởng.
3. Hiện nay, muốn sử dụng điện trong sinh hoạt hoặc trong kinh doanh, sản xuất đều chỉ có một đầu mối cung cấp duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vì thế, không "bắt tay", không chịu lụy "ông" EVN thì khách hàng không thể có sự lựa chọn nào khác. Tuy giá điện tăng và tăng bao nhiêu phải được Chính phủ đồng ý để có sự điều hành thống nhất trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, nhưng chính sự độc quyền đã tạo nên những quyền lực siêu hình cho ngành điện, do đó, khách hàng thực chất cũng là "thượng đế" trên danh nghĩa.
Mặt khác, các đơn vị, DN có làm ra điện, muốn tồn tại được thì sản phẩm phải được EVN chấp thuận mua. Nếu "ông" điện mà làm mình làm mẩy, không đoái hoài gì thì coi như là phá sản bởi sản phẩm làm ra (điện) không biết bán cho ai. Điều đó chắc chắn cũng làm một số nhà đầu tư nản lòng, đồng thời đây cũng chính là nguyên nhân mà một số dự án phát điện đã không thể nhanh chóng huy động được vốn đầu tư.
Tăng giá bán, dìm giá mua. xét về cả hai góc độ mua và bán điện thì đúng là... nhất "ông" EVN. Cũng may mà chả còn nhiều "ông" như thế. Cầu trời cho "ông" EVN làm ăn phát đạt, chứ “ông” cứ thua lỗ dài dài thì chỉ khổ "thượng đế" mà thôi.