Yên tâm hơn về lực lượng kế cận
Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 23/11/2011
- Đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 70 HCV, cuối cùng TTVN đã vượt xa mục tiêu đề ra. Đó là nhờ thành tích thi đấu xuất thần của VĐV hay do TTVN đặt mục tiêu “quá an toàn”, thưa ông?
- Thú thực là quá trình chuẩn bị của nhiều đội tuyển rất khó khăn, từ chế độ dinh dưỡng đến điều kiện tập huấn nên không thể đòi hỏi họ đặt chỉ tiêu cao. Đoàn TTVN đặt chỉ tiêu tối thiểu với từng đội, căn cứ vào thực lực, quá trình chuẩn bị. Việc đặt chỉ tiêu vừa phải giúp VĐV không bị áp lực, thoải mái thi đấu. Nhiều đoàn bạn đã phải ngạc nhiên về tinh thần thi đấu của các VĐV ta, nhất là khi biết điều kiện chuẩn bị của Việt Nam.
Hoàng Quý Phước, Dương Việt Anh - những VĐV đã giành HCV tại SEA Games 26. Ảnh: An Nhơn |
- Theo ông, đâu là những điểm nhấn đáng kể nhất của VĐV Việt Nam tại SEA Games 26?
- Đầu tiên, phải kể đến sự xuất sắc của điền kinh, bơi lội, bắn súng, thể dục dụng cụ… Ngoài số VĐV chủ lực đoạt HCV, rất mừng là có nhiều VĐV trẻ bước lên ngôi vô địch, khiến chúng ta yên tâm hơn về lực lượng kế cận. Mặt khác, đây là SEA Games đầu tiên diễn ra ngoài Việt Nam có Vovinam xuất hiện trong chương trình thi đấu. Những diễn biến của môn thi này mang tín hiệu tích cực để chúng ta có thể tin rằng Vovinam xuất hiện ở những SEA Games sau, góp phần quảng bá một “sản phẩm văn hóa - thể thao” của người Việt Nam.
- Về số lượng huy chương, Đoàn TTVN đã thành công ngoài mong đợi. Nhưng ông đánh giá thế nào về chất lượng những tấm huy chương ấy, đặc biệt ở những bộ môn trong chương trình thi đấu Olympic?
- Chúng ta dự SEA Games lần này cũng nhằm đánh giá, tìm chuẩn Olympic cho một số môn. Điền kinh chưa đạt chuẩn ở cự ly 800m nữ dù Trương Thanh Hằng đoạt HCV. Đấy là sự nuối tiếc, nhưng dù sao, cơ hội vẫn còn phía trước. Sự xuất hiện của Dương Việt Anh với chiếc HCV nhảy cao và suýt đạt chuẩn B Olympic (1,92m) cũng mang lại hy vọng mới cho điền kinh. Môn bơi lội, thành tích của Hoàng Quý Phước thật sự là điểm sáng. Đoạt HCV, phá chuẩn B Olympic nội dung 100m bơi bướm, Hoàng Quý Phước đã hoàn thành nhiệm vụ “2 trong 1” của mình. Ngay ở cử tạ, kết quả thi đấu của Trần Lê Quốc Toàn cũng vượt cả thành tích HCĐ Giải vô địch thế giới. Về cơ bản, tôi thực sự hài lòng.
- Thẳng thắn mà nói, SEA Games 26 cũng có những thất bại đáng tiếc, nhất là ở một số môn Olympic…
- Có một số VĐV kỳ cựu không thể đoạt HCV, như Vũ Thị Hương (điền kinh), Văn Ngọc Tú (Judo), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)… Thất bại nào cũng có nguyên nhân, do chuẩn bị chưa tốt, chủ quan, hoặc có thể là không vượt qua được áp lực. Đội bóng đá nam có vấn đề về chuyên môn, không hoàn thành chỉ tiêu. Ngay sau SEA Games chúng tôi sẽ ngồi lại, làm rõ nguyên nhân thành công, thất bại.
- Ông có cảm thấy tiếc nuối khi đã có thời điểm đoàn Việt Nam vượt Thái Lan trên bảng xếp hạng, nhưng cuối cùng không thể giữ vị trí thứ nhì?
- Không bị đoàn Thái Lan bỏ xa trên bảng xếp hạng có thể coi là thành công. Ở nhiều môn Olympic, các VĐV ta không còn lép vế trước VĐV Thái Lan. Điền kinh, bắn súng tỏ ra ngang ngửa; vật, thể dục dụng cụ vượt trội. Tất nhiên, để xóa khoảng cách ở những môn khác như bơi, cử tạ đòi hỏi thời gian. Cũng phải nói thêm rằng, một số HCV của Thái Lan đến từ những môn thể thao giải trí, vốn không ổn định trong chương trình SEA Games. Có nhiều trận chung kết giữa Thái Lan và Việt Nam, trong đó có nhiều trận ta thua trong gang tấc. Đấy là lý do khiến Thái Lan vượt lên trong những ngày cuối.
Tôi không quá tiếc vì không giành được vị trí thứ nhì. Cái được lớn nhất là từ những SEA Games sau chúng ta có thể tự tin ganh đua chứ không còn mang tâm lý tự ti.
- Xin cảm ơn ông!