Mùa cưới năm 2011: Tiệc trà vẫn là của hiếm

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 23/11/2011

(HNM) - Mới hơn một tuần trước, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) tổ chức đám cưới tập thể cho 80 cặp đôi công nhân nghèo. Trước đó, màn cầu hôn tập thể của 100 cặp uyên ương đã diễn ra tại Công viên Thống nhất Hà Nội.

Hai sự kiện ở hai thành phố lớn để lại nhiều dư vị ngọt ngào, lãng mạn cho người trong cuộc và sự vui mừng cho cộng đồng. Thế nhưng, những đám cưới theo nếp sống văn minh, trang trọng, tiết kiệm ấy chưa nhiều.

Đám cưới ngày càng xa xỉ

Không khó để nhận ra, các loại hình dịch vụ phục vụ cưới hỏi năm sau lại phong phú hơn, với những "chiêu" độc hơn năm trước. Nếu như mùa cưới năm 2010 còn có nhiều người chọn chụp ảnh cưới trong nhà cho đỡ tốn kém thì mùa cưới năm nay gần như 100% cặp đôi sẵn sàng chi tiền triệu để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của hai vợ chồng trong không gian ngoài trời. Theo khảo sát, giá các studio thực hiện trọn gói album 30x30 hoặc 30x40 gồm 40 chiếc do nhiếp ảnh có tay nghề thực hiện có giá 10-15 triệu/album, có album lên đến cả 100 triệu đồng nếu lấy cảnh ở những điểm du lịch đắt đỏ. Thậm chí, nhiều đôi còn làm phim cưới 3D.

Lễ cưới tập thể của 100 đôi uyên ương diễn ra tại Hà Nội thời gian qua.

Cùng với mốt chụp ảnh lạ, thuê xe độc, xe xịn để đón dâu đang là phong trào. Ở Hà Nội, khách sạn Sofitel Metropole có 2 chiếc xe Citroe của Pháp, studio Xính có 4 chiếc Citroe Traction đời 1952-1957, nhóm "Những viên chức mê xe cổ" có dàn "chú bọ" Volkswagen… lúc nào cũng "cháy hàng". Những tiệc cưới quá to, thủ tục nhiêu khê, rườm rà vẫn diễn ra vào các ngày đẹp. Những "địa điểm vàng" tổ chức tiệc cưới của Hà Nội năm nay như Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Trung tâm Hội nghị quốc tế (Lê Hồng Phong), Nhà hàng Vạn Hoa (đường Hoàng Quốc Việt)… đều kín chỗ từ cả nửa năm trước. Muốn chọn những địa điểm này, khách hàng phải đặt từ đầu năm, dù giá cỗ tăng so với mùa cưới 2010 vài trăm nghìn/mâm. Ở các khách sạn lớn được gắn "sao", giá cho một mâm cỗ lên đến hàng chục USD/người và hầu hết cũng đã kín chỗ vào những ngày "hoàng đạo".

Chưa có điều kiện để chạy theo mốt thời thượng như ở nội thành Hà Nội, song các đám cưới vùng ngoại thành vẫn là gánh nặng của gia chủ và là nỗi ám ảnh của khách mời khi xu hướng cưới to, mời nhiều vẫn đang trên đà… phát triển. Nhiều người nói vui rằng nếu có lĩnh vực nào tại Việt Nam khủng hoảng kinh tế không thể chạm tới thì chắc chắn đó là "công nghiệp… cưới". Qua đó có thể thấy, những quy định về việc cưới theo nếp sống văn minh chưa ngấm đến dân, chưa được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Có “cầu” sao chưa có “cung”?

Thực tế chứng minh, đám cưới to không tỷ lệ thuận với hạnh phúc gia đình và ngược lại những người chỉ tổ chức tiệc trà, hay cưới tập thể không hẳn là đã coi nhẹ hạnh phúc. Ông Nguyễn Cát Khoa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên, nơi phát động cưới tiệc trà ở ngoại thành Hà Nội khẳng định: Từ năm 1997 đến nay, mỗi năm Phú Xuyên có khoảng 50-150 đám tổ chức theo hình thức tiệc trà và chưa có đám nào ly hôn. Chị Nguyễn Thị Thịnh, phường Phú Lãm, Hà Đông (Hà Nội) tổ chức cưới cho con bằng tiệc trà chỉ hết 3 triệu đồng nói: "Tôi thấy tự hào về quyết định sáng suốt của con tôi và gia đình. Đám cưới của cháu trang trọng, tiết kiệm nhưng rất vui". Còn cặp đôi giành giải nhất trong cuộc chạy marathon Phạm Thành Trung - Quách Thị Kim Ngân thể hiện tình yêu bằng màn cầu hôn tuyệt đẹp trong lễ cầu hôn tập thể diễn ra tại Công viên Thống nhất vừa qua tâm sự: "Không có gì tuyệt vời hơn. Đó là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời chúng em. Chúng em mong có nhiều công ty, nhiều tổ chức đoàn thể đứng ra tổ chức các đám cưới tập thể như thế". Chị Lê Tú Anh, Tạp chí TravelLive - đơn vị tổ chức màn cầu hôn tập thể cho hay: "Số lượng đôi uyên ương đăng ký tham gia rất nhiều, song trong khuôn khổ chương trình, chúng tôi chỉ có thể tổ chức cho 100 đôi". Ngay đám cưới tập thể cho 80 cặp đôi công nhân diễn ra ở TP Hồ Chí Minh cũng phải ưu tiên những đôi nghèo. Điều đó khẳng định nhu cầu cưới trang trọng, tiết kiệm là có thực. Vậy tại sao cưới phô trương, lãng phí vẫn phát triển?

Cắt nghĩa cho tình trạng này, Bí thư Thường trực TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lâm Phương Thanh nhận định: Giới trẻ có vai trò rất lớn trong việc vận động, thực hiện NSVM, nhất là trong việc cưới. Nhưng họ còn phụ thuộc nhiều vào sự sắp đặt của gia đình. Ông Đinh Hồng Phong, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm phản ánh: Đa số người dân trong quận nắm rõ quy định của TƯ và Hà Nội về việc cưới theo nếp sống văn minh, nhưng mỗi năm, các hội, đoàn thể quận chỉ tổ chức cưới đơn giản, tiết kiệm cho một vài trường hợp vì cả quận không có hội trường đủ lớn để tổ chức đám cưới tập thể hoặc cho các gia đình thuê với giá rẻ. Không quá chật chội, nhưng thiếu trang thiết bị là lý do khiến nhiều thanh niên ở các huyện ngoại thành không lựa chọn nhà văn hóa thôn, xã làm nơi tổ chức ngày lễ trọng đại nhất cuộc đời.

Ở góc độ quản lý, ông Phùng Quang Trung, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH,TT&DL) Hà Nội cho biết: Để tổ chức được một đám cưới tập thể cho hàng chục cặp đôi cần rất nhiều yếu tố. Vì thế, các tổ chức đoàn thể đôi khi lực bất tòng tâm. Chưa văn minh được còn bởi quy định về cưới văn minh mang tính vĩ mô, áp dụng chung cho tất cả tỉnh, thành phố trong khi mỗi vùng, miền lại có nét văn hóa khác nhau. Ông Trung cho biết thêm, thành phố Hà Nội đang xây dựng quy định về thực hiện việc cưới văn minh, tiến bộ trên tinh thần chỉ đạo chung nhưng được cụ thể hóa cho phù hợp với nét văn hóa đặc thù của người Hà Nội.

Mùa cưới đã bước vào "chính vụ" mà không chờ quy định của chính quyền. Cưới văn minh, tiết kiệm đã trở thành một nhu cầu có thực, sao mãi thiếu "cung"?

Minh Ngọc