Chính sách tiền tệ cần gắn với kinh tế vĩ mô

Kinh tế - Ngày đăng : 07:58, 22/11/2011

(HNM) - Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều nước đang phải đối mặt với những bất ổn tài chính nghiêm trọng gắn với khủng hoảng nợ công, kéo theo những biến động của nền kinh tế.


Kiểm soát tốt chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô Ảnh: Như Ý

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của biến động kinh tế thế giới, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Học viện Ngân hàng vừa tổ chức hội thảo quốc tế "Chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thế giới biến động".

Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế thế giới. Sau khủng hoảng, các nền kinh tế phát triển phục hồi chậm chạp và mong manh. Áp lực lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến một số nền kinh tế. Mặc dù tình trạng tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới có thể chậm lại song chống lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng chính sách kịp thời, giúp đối phó được với những khó khăn của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu tốt hơn so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã lấy lại được đà, thì lạm phát và áp lực đối với tiền đồng quay trở lại, tiếp tục là những thách thức lớn đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô. PGS-TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô còn thiếu đồng bộ, nhất quán khiến Việt Nam chậm ra khỏi những biến động kinh tế hơn so với các nước trong khu vực.

Vấn đề được bàn luận nhiều tại hội thảo là làm gì để kết hợp chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để nền kinh tế trong nước phát triển. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng, cần xác định tín dụng ưu tiên, trong đó thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đánh giá tác động các chính sách đến lạm phát. Từ nay đến cuối năm 2011 và trong năm 2012, NHNN sẽ có chính sách chặt chẽ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn về dài hạn, NHNN sẽ đổi mới chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng, củng cố hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước biến động phức tạp, việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng thương mại...

Đức Anh